Kinh nghiệm du lịch Hồng Kông tự túc: khó xin visa vẫn giải quyết được
Add to favoritesChào bạn đọc Baynhe, mình là Thanh Hương – tác giả của Bài viết “Nhà tóc ngắn đi Thái” đã đăng trên blog Baynhe tháng 6-2014.
Kể từ ngày là độc giả của Baynhe, mình luôn theo dõi các bài viết để có thêm nhiều kinh nghiệm cho bản thân trong công cuộc săn vé và chinh phục những điểm du lịch hấp dẫn. Mua được vé giá rẻ của Jestar khứ hồi Hà Nội Hồng Kông với giá chỉ chưa đến 1,8 triệu đồng.
Nói thật là lúc mua vé cứ nhắm mắt mua liều chứ mình biết là cái vụ visa Hồng Kông mình đọc thấy rất khó khăn, đặc biệt với hộ khẩu Hải Phòng (cùng quê với Bụi). Thêm vào đó, việc tìm thông tin trên các trang web về đi phượt Hồng Kông tất ít. Mình muốn chia sẻ với mọi người những kinh nghiệm mà mình tìm kiếm được hoặc đã trải nghiệm trong chuyến đi vừa rồi. Hy vọng sẽ giúp ích được cho các bạn.
Kinh nghiệm xin visa du lịch Hong Kong tự túc
Có được 4 vé trong tay mà lo vụ xin visa đến mệt, mình đã hỏi nhiều dịch vụ làm visa Hồng Kông ở Hải Phòng nhưng hiếm nơi nào nhận mà nhận làm với cái giá trên trời… Hic..hic…
Mình chuyển hướng liên lạc với các dịch vụ visa ở Hà Nội: câu đầu tiên họ hỏi là hộ khẩu của mình ở đâu, mình trả lời ở Hải Phòng. Vậy là họ trả lời luôn họ không nhận làm visa Hồng Kông cho hộ khẩu Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương.
Mình phải trình bày là cả 4 người đều làm cơ quan Nhà nước và vơ chồng mình đã từng có visa châu Âu. Sau khi hẹn là sẽ trả lời sau trường hợp của mình, họ trả lời là chỉ nhận xin visa cho vợ chồng mình còn 2 người bạn thì không. May mắn sao mình nhờ các mối quan hệ liên lạc được với 1 công ty làm dịch vụ visa Hồng Kông nhận làm cho cả 4 người, thủ tục rất đơn giản:
- 1 ảnh 4×6 nền trắng
- Hộ chiếu còn hạn 6 tháng trở lên
- Hợp đồng lao động (hoặc quyết định bổ nhiệm nếu có)
- 1 đơn nghỉ phép theo mẫu bằng tiếng Anh
- Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng bằng tiếng Anh (thường là từ 100 triệu đồng trở lên)
- Xác nhận đặt vé máy bay khứ hồi.
Tất cả chỉ cần scan màu và gửi hồ sơ qua email là xong. Khi nào được visa thì họ sẽ gửi chuyển phát nhanh cho mình, giá cả thì cũng hợp lý. Bạn nào ở Hải Phòng thì mình sẽ giới thiệu giúp dịch vụ chứng minh tài chính, giá rẻ thôi. Miễn là các bạn có công việc ổn định là Ok nhé, không phải lo vụ visa. Visa kiểu mới không có dấu gì nhé, nhận được bóc ra và dán vào hộ chiếu là được.
Kinh nghiệm du lịch Hong Kong tự túc
Việc đầu tiên cần làm khi đặt chân đến sân bay Hồng Kông điền các thông tin vào tờ khai nhập cảnh đưa cho hải quan ở sân bay (giữ lại 1 niên để đưa lại cho họ lúc trước khi về Việt Nam), tiếp đến là tìm các giá cung cấp thông tin và lấy bản đồ Hồng Kông và bản đồ tàu điện ngầm (MTR).
Sau đó bạn đi tìm 1 cửa hàng tiện ích và mua 1 cái sim, nói với người bán hàng số ngày bạn sẽ ở lại Hồng Kông và họ sẽ bán cho bạn 1 cái sim phù hợp (sim có thể gọi quốc tế nhưng mình chưa gọi thử, gọi cho các số ở Hồng Kông thì OK)
Tiếp theo là tìm hiểu phương tiện đi lại ở Hồng Kông: Ở Hồng Kông đi lại cực kỳ tiện lợi, phương tiện chủ yếu là tàu điện ngầm và xe bus, phà thì có thể dùng để di chuyển giữa đảo Kowloon và đảo HongKong…
Mọi người mua 1 cái thẻ gọi là Octopus, thẻ này có thể dùng để đi MTR và xe bus, đi cáp treo Ngongpin, đi tàu cáp treo lên đỉnh Peak, lên Đài ngắm cảnh ở đỉnh Peak, có thể mua sắm được tại các điểm có máy quẹt thẻ này nữa… Tiền cọc ban đầu mua cái thẻ là 50 đô Hồng Kông, sau đó trước khi về các bạn lấy lại tiền cọc ở trạm MTR gần sân bay (trạm này nằm giữa T1 và T2 của sân bay Chek Lap Kok).
Khi lấy lại tiền cọc và tiền thừa trong thẻ chỉ lấy được tối đa $35 và tiền cọc bị trừ đi $9 phí refun chỉ lấy được $41 thôi nhé. Vì vậy, mọi người tính toán chi tiêu để lúc ra đến sân bay thì trong thẻ còn tối đa $35 thôi nhé. Lúc nạp thêm tiền vào thẻ thì tối thiểu nạp 1 lần là $50. Theo mình thì tại các bạn nên nạp khoảng $250 là vừa cho thời gian đi lại ở Hồng Kông (mình ở đây 5 ngày).
Cách đi MTR giống như ở Singapore, chỉ khác ở chỗ là các trạm MTR ở Hồng Kông có rất nhiều cửa ra, mỗi cửa ra có thể đưa đến những con phố khác nhau, bạn phải xác định nơi đến ở cửa ra nào cho thuận tiện. Bạn cũng có thể xem biển chỉ dẫn để ra được đúng cửa có địa điểm mình muốn đến.
Nếu đi MTR thì quẹt thẻ qua phần đọc thẻ và đi qua thanh chắn, lúc đến thì quẹt thẻ ở điểm đến để ra (lưu ý là phải quẹt thẻ ở điểm đi thì điểm đến mới ra được). Giá vé đi MTR sẽ căn cứ điểm đi và điểm đến để tự động trừ tiền. Thẻ Octopus có thể mua ở các quầy dịch vụ khách hàng (Customer Service) ở các bến tàu điện ngầm hoặc ngay quầy Customer Service của Airport Express trên sân bay. Bạn có thể tìm đến các máy này có trong các trạm MTR để kiểm tra số dư trong thẻ và nạp thêm tiền vào thẻ. Nếu không biết cách nạp thêm tiền thì bạn ra quầy dịch vụ khách hàng nhờ họ nạp cho.
Các tuyến chính của hệ thống MTR ở Hồng Kông:
- Tuyến Airport (màu xanh lá): đây là tuyến tàu điện ngầm đẹp và hiện đại nhất của Hồng Kông từ sân bay về các đảo của Hồng Kông nhưng giá rất đắt:
Tuyến | Người lớn và người già (trên 65 tuổi) | Trẻ em (3-11 tuổi) | |
Vé khứ hồi người lớn | Vé 1 chiều/hoặc đi về trong cùng ngày/Thẻ Octopus | Vé trẻ em 1 chiều/hoặc đi về trong cùng ngày/Thẻ Octopus | |
Airport – đảo Tsing Yi | $110 | $60 | $30 |
Airport – đảo Kowloon | $160 | $90 | $45 |
Airport – đảo HongKong | $180 | $100 | $50 |
- Tuyến Tung Chung Line (màu vàng): là tuyến đến đảo Lautau (đảo Lạn Đầu), nơi có sân bay quốc tế Chek Lap Kok, Disleyland (ga Sunny Bay), có cáp treo đi Đại Phật (ga Tung Chung)…
- Tuyến Tsuen Wan Line (màu đỏ): là tuyến ở bán đảo Kowloon (đảo Cửu Long), nơi có Đại lộ ngôi sao, tháp đồng hồ, Herritege 1881, Bến cảng Victoria (ga Tsim Sha Tsui), chợ quý bà (ga Mong Kok), Chợ đêm ở phố Temple (ga Yau Ma Tei), chợ điện tử và đồ cũ (ga Sham Shui Po)…
- Tuyến Kwun Tong Line (màu xanh lá mạ): cũng là tuyến ở bán đảo Kowloon nơi có Miếu Huỳnh Đại Tiên (ga Wong Tai Sin) và Thiền viện Chí Liên (ga Diamond Hill)
- Tuyến Island Line (màu xanh nước biển): là tuyến của đảo Hong Kong (đảo Hồng Kông), tuyến này có trung tâm hội nghị triển lãm Hồng Kông và điểm tham quan Quảng trường Kim Tử Kinh là nơi bàn giao Hồng Kông về Trung Quốc năm 1997 (ga Wan Chai), Lan Kwai Fong (ga Center), có điểm trung chuyển xe bus đi Ocean Park và đỉnh đỉnh Peak (ga Admiralty), có các trung tâm shopping lớn như SOGO, Time Square (ga Causeway Bay)…
Còn nếu đi xe bus thì chỉ quẹt thẻ khi lên, xuống không cần phải quẹt nên giá vé xe bus tính đồng giá từ lúc lên xe cho đến lúc xuống xe ở giữa chặng hay điểm dừng cuối cùng cũng như nhau (chú ý đi xe bus mà không dùng thẻ thì bạn nhớ chuẩn bị tiền lẻ vì xe bus không trả lại tiền thừa đâu). Lộ trình xe bus tham khảo ở trang này http://www.nwstbus.com.hk/routes/air…px?intLangID=1
Cách đi từ Sân bay quốc tế Chek Lap Kok về trung tâm Hong Kong:
Có nhiều cách đi từ Sân bay về trung tâm. Tùy thuộc túi tiền, điểm đến và mục đích của chuyến đi để các bạn có thể nghiên cứu và lựa chọn cách đi phù hợp với mình.
Cách thứ nhất: là cách nhanh và khỏe nhất, bạn leo lên chuyến tàu điện ngầm Airport Express nằm ở ngay giữa Terminal 1 và Terminal 2. Airport Express hoạt động từ 5h50 sáng đến 0h50 sáng hôm sau, trung bình 10 phút có 1 chuyến. Đi tàu điện ngầm thì rất nhanh rồi, chuyến tàu này chỉ có 1 vài trạm để chuyển sang line nào cho phù hợp với đảo nào bạn muốn tới ở Hồng Kông. Mỗi tội, giá hơi đắt 1 chút. Ai nhiều xèng thì cứ đi cách này cho khỏe.
Cách thứ hai: từ cửa ra tàu bay, bạn đi theo biển chỉ dẫn đến Arrival Hall, xuống ngay sát bên dưới chân nhà ga sân bay là bến xe bus (Ground Transportation Centre). Đừng quên lấy cho mình một tấm bản đồ xe bus ở quầy thông tin nhé. Bắt xe Bus A21, điểm cuối là Hung Hom Train Station ở đảo Kowloon (Giá là $31, thời gian đi khoảng 45 phút). Cách này phù hợp với ai nghỉ tại đảo Kowloon. Bạn có thể lên google search đường đi của xe bus A21 hoặc xe tuyến khác để nhảy xuống trạm nào gần khách sạn mình ở nhất.
Cách thứ ba: kết hợp cả xe bus và MTR: đây là cách rẻ nhất để đi từ sân bay về trung tâm và ngược lại. Đầu tiên, bạn cũng đi tìm bến xe bus ở sân bay, bắt chuyến xe S1 (Cứ 7 đến 10 phút) lại có 1 chuyến để đến ga MTR Tung Chung (giá vé mình nhớ là $3,4). Đến ga Tung Chung rồi bạn nhảy xuống rồi leo lên MTR (line màu vàng) đi về trung tâm. Đến ga Lai King là nơi giao điểm giữa line vàng, đỏ. Ai đến đảo Kowloon thì chuyển sang line đỏ (giá đi từ ga Tung Chung đến ga cuối của đảo Kowloon là ga Tsim Sha Tsui chưa đến $18), ai đến đảo HongKong thì cứ ngồi yên cho đến cuối chặng (ga HongKong) từ đây chuyển sang ga màu xanh nước biển rồi đi tiếp. Cách này cũng tương đối nhanh lại rẻ nhất.
Cách thứ 4: cách này mình cứ giới thiệu chứ chắc dân phượt chẳng ai đi, đó là leo lên lên taxi và đi 1 mạch về khách sạn. Giá taxi từ sân bay về trung tâm khoảng $250-$300 tùy từng địa điểm. Điểm đặc biệt của taxi Hồng Kông là nó chia tuyến hoạt động như xe bus vậy, tùy thuộc vào điểm đến mà bạn chọn cho mình một màu taxi thích hợp. Bạn nên đến quầy thông tin của các hãng taxi sân bay để tìm kiếm thông tin về giá vé để tránh tình trạng mình bị chặt chém, sau đó đi vào làn đậu riêng của chiếc taxi màu đỏ để di chuyển vào trung tâm. Cẩn thận hơn, khi đến nơi bạn yêu cầu lái xe in hoặc viết hóa đơn cho bạn để đề phòng sự cố ngoài ý muốn như bạn quên đồ trên xe chẳng hạn…
Sau khi kết thúc các hoạt động của Hồng Kông và quay trở về Việt Nam, bạn nhớ ra sân bay trước giờ máy bay cất cánh sớm hơn bình thường một chút nhé. Bởi vì từ chỗ checkin ở sân bay này ra được đến cửa bay hơi phức tạp một chút: sau khi checkin xong bạn sẽ tìm đường để đến 1 chuyến tàu điện đưa tất cả hành khách đến 1 cái sảnh (tàu điện cứ 5 phút lại có một chuyến), ở sảnh này bạn tìm bảng thông tin hướng dẫn xem là chuyến bay của bạn ở cửa nào, bạn sẽ đi theo biển chỉ dẫn để đến 1 chỗ có xe bus sẽ chở hành khách chung cửa bay để đến tìm đến cửa bay.
Đến cửa bay rồi sẽ có 1 nhóm nhân viên của hãng bay ở đó, bạn hỏi họ xem mình đã đến đúng cửa chưa, họ sẽ xác nhận lại vào vé của mình, trên vé lại không hề ghi cửa bay gì cả, những nhân viên bảo vệ ở đây nhiều khi không biết nói tiếng Anh (bạn nào đi muộn lại không tìm được cửa bay thì chỉ nước đứng khóc hu hu).
Tốt nhất, nếu dắt lưng 1 chút tiếng Trung chỉ đủ hỏi đường là tốt nhất (dân ở đây nói tiếng Quảng Đông nhưng cũng nói được tiếng Phổ thông, còn tiếng Anh chỉ thanh niên là mình hỏi được thôi, người trung niên và người già thì ít biết lắm). Mình đã từng lớ ngớ hỏi thăm mấy nhân viên bảo vệ để tìm đến chỗ checkin, mà hỏi mấy người mới tìm được người biết tiếng Anh để hỏi. Mình nhớ không nhầm thì khu vực checkin ở tầng L5 nhé.
Các điểm đến không thể bỏ qua khi đến Hồng Kông:
+ Đại Nhĩ Sơn: Tượng Phật (The Big Buddha) nằm trên núi là chốn linh thiêng của Hồng Kông. Có nhiều cách để lên đỉnh núi như đi xe bus, xe bus mini hoặc đi cáp treo từ ga Tung Chung giá vé tiêu chuẩn của người lớn là $165. Giờ mở cửa của cáp treo là 10h sáng và đóng cửa vào 18h chiều, bạn nên tranh thủ đi vào buổi sáng vì đầu giờ chiều khách đi cáp treo rất đông, đợi xếp hàng lên cáp thì lâu lắm.
Cuối tuần thì mở cửa từ 9h và đóng cửa lúc 18h30. Bạn cũng có thể mua vé vip với giá cao hơn để khỏi mất công chờ đợi. Theo mình, tốt nhất là đi xe bus cho đỡ phải chờ, còn đi cáp treo thì mình thấy còn chờ lâu hơn cáp treo chùa Hương nhà mình. Thời gian đi cáp khoảng 20 phút là lên đỉnh núi nhưng thời gian xếp hàng lên cáp khoảng 2h. Hic..hic.. viết đến đây cũng thấy mỏi chân quá, đến giờ mình vẫn còn cảm giác nhức hết 2 chân khi đứng chờ xếp hàng với thời gian quá lâu.
+ Wong Tai Sin – ngôi đền nổi tiếng linh thiêng nhất không chỉ ở Hồng Kông mà ngay cả những người ở Trung Quốc đại lục cũng thường xuyên sang đây để cúng bái. Được xây dựng từ năm 1921 theo truyền thuyết là một vị hòa thượng tên là Wong Tai Sin đã tu hành chính quả nơi đây và từ đó lấy tên của vị hòa thượng này. Cách đi là đi MTR đến ga MTR Wong Tai Sin, cửa ra B2.
+ Thiền Viện Chí Liên (Chi Lin Nunnery) và vườn Nan Lian: Chi Lin Nunnery là 1 ni viện rất đẹp nằm gần ga MTR Diamond Hill, ra khỏi cửa C2 bạn hãy đi theo biển chỉ đường để tìm đến đây (5 Chi Lin Drive, Diamond Hill, Kowloon). Được thành lập vào năm 1934 và được cải tạo theo phong cách nhà Đường (618-907 trước Công nguyên) vào năm 1990, Ni Viện Chi Lin là tổ hợp đền lớn với kiến trúc gỗ thanh lịch, di tích Phật giáo quý giá và ao sen thanh thảo.
Từ Chi Lin Nunnery có 1 chiếc cầu nối sang vườn Nan Lian. Vườn Nan Lian là công viên tại Diamond Hill, vườn rộng 3.5ha được thiết kế theo phong cách nhà Đường với đồi, cây cỏ, nước và các ngôi nhà gỗ. Nên chú ý khi đến đây bạn có thể chụp ảnh thoải mái nhưng không được dùng gậy tự sướng, không được cười đùa, ăn uống ở đây và ngồi gác chân chữ ngũ… Sẽ có nhân viên trông coi ngồi rải rác ở các nơi trong vườn để chỉ dẫn cũng như nhắc nhở bạn nếu bạn vi phạm những điều không được làm.
Các điểm đến hấp dẫn ở Hong Kong:
+ Cầu Thanh Mã: Cầu Tsing Ma ở Hồng Kông giữ vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng những cây cầu treo lớn nhất thế giới được hoàn thành vào tháng 4 năm 1997. Cây cầu này có tải trọng 49.000 tấn, chiều dài 2,2km, nối liền Tsing Yi với hải cảng Lantau. Cầu này có cả đường sắt lẫn đường bộ, nhịp chính của cầu dài 1.377m và có chiều cao 206m. Đây là nhịp cầu đường ray lớn nhất trên thế giới.
+ Tháp Sky 100: Nằm trên tầng 100 của tòa nhà cao nhất Hong Kong, Sky 100 đem đến cho khách du lịch Hong Kong góc nhìn 360 độ cao nhất trong thành phố. Lên Sky 100 bằng cách đi thang máy tốc độ cao (chỉ mất 60 giây). Giá vé tiêu chuẩn là $168 (mua online $151). Bạn có thể tham khảo thông tin thêm tại http://sky100.com.hk/en/ticket-and-booking/ticket-information/ . Cách đi là đến ga Kowloon, ra ở cửa C1 hoặc D1.
+ Tháp đồng hồ (The Clock Tower of Victoria Harbour): được xây dựng từ năm 1915 cao 44m là một phần của ga cuối tuyến đường sắt Kowloon-Canton. Nhà ga từng một thời nhộn nhịp đã qua nhưng tháp gạch đỏ và đá granit giờ vẫn được bảo quản làm Đài tưởng niệm, coi như dấu ấn của thời kỳ Hơi Nước. Cách đi là đến ga Tsim Sha Tsui và ra ở cửa E.
Dạo chơi ở quanh khu vực đồng hồ tháp vào chiều tối, bạn nhớ chờ đến khoảng 20h sẽ có màn trình diễn ánh sáng 3D mang tên “Nhịp đập Hong Kong” ngay bên bờ vịnh Victoria.
+ Bến phà ngôi sao (Star Ferry pier): Bến phà này cũng nằm gần tháp đồng hồ, trong khi 2 phía của cảng Victoria đã được kết nối bởi cơ sở vật chất hiện đại thì hàng triệu người vẫn lên chiếc phà Ngôi sao mỗi năm. Nhiều người dân địa phương vẫn dành tình cảm cho những chuyến phà này. Cho đến bây giờ, nó vẫn là phương tiện đi lại tin cậy và hiệu quả.
+ Đại lộ ngôi sao (Satr Avenue): là nơi tôn vinh những tên tuổi giúp Hồng Kông trở thành 1 “Holllywood” của phương Đông. Điểm thu hút nhất của con đường là các viên gạch có hình ngôi sao khắc tên (bằng Hán tự và tiếng Anh) của các nghệ sĩ tên tuổi của nền điện ảnh Hồng Kông, kèm theo dấu tay và chữ ký của những nhân vật còn sống. Hiện nay Đại lộ tại Tsim Sha Tsui hiện đóng cửa để sửa chữa và trùng tu hiện vật, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Cách đi đến ga East Tsim Sha Tsui và ra ở cửa P1.
+ Khu phức hợp mua sắm Heritage 1881: Heritage sẽ đưa bạn trở về Hồng Kông thời Victoria. Từ những năm 1880 đến năm 1996, chỉ trừ thời kỳ Nhật chiếm đóng (1941–1945), tòa nhà này là trụ sở của Cảnh sát biển Hồng Kông. Sau đó tòa nhà được phục hồi và trở thành di tích lịch sử phục vụ khách tham quan. Hiện nay tòa nhà có một trung tâm mua sắm, một khách sạn và hội trường triển lãm. Cách đi là đến ga MTR Tsim Sha Tsui, ra ở cửa E và tìm đến địa chỉ 2A Canton Road, Tsim Sha Tsui.
+ Đỉnh núi Thái Bình (The Peak): ở đây bạn có thể đến ban ngày hoặc buổi tối đều đẹp, nơi có thể nhìn toàn cảnh khu vực trung tâm Hồng Kông với rất nhiều tòa nhà cao tầng. Đường đi lên đỉnh núi có 2 cách: đi bus hoặc đi tàu điện. Cách đi bằng xe bus như sau: đến ga MTR Center, ra ở cửa J2 và bắt xe bus số 15C hoặc đến ga MTR Hong Kong, ra ở cửa D và bắt xe bus số 15 đi lên đỉnh núi (giá vé xe bus gần $10).
Theo mình thấy là không cần mua vé và xếp hàng lên đài quan sát mà chỉ cần đến Lions View Point Pavilion nằm ngay gần chỗ lên đài quan sát The Peak là có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp Hồng Kông từ trên cao được rồi. Bạn cứ đi thẳng về phía trước (hướng cột đèn đường ở trong hình), qua chỗ mọi người xếp hàng lên đài quan sát là đến Lions View Point Pavilion.
+ Trung tâm triển lãm và hội nghị Hồng Kông (Hong Kong Convention & Exhibition): nơi có biểu tượng hoa Dương Tử tử kinh (Bauhinia blakeana) từ năm 1997 đã trở thành loài hoa biểu tượng cho đặc khu hành chính Hồng Kông. Một bức tượng mô phỏng loài hoa này cũng đã được dựng lên tại Quảng trường Golden Bauhinia. Đây món quà tặng của Chính phủ Trung ương đánh dấu năm 1997 khi Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc. Lễ kéo cờ ở đây sẽ diễn ra hàng ngày từ 7h50 AM đến 8h03 AM. Buổi lễ kéo cờ sẽ do các nhân viên cảnh sát Hồng Kông thực hiện. Vào ngày chủ nhật thứ hai hàng tháng, một nhóm thanh niên mặc đồng phục sẽ kéo cờ. Lễ kéo cờ bổ sung sẽ được thực hiện từ 7h45 AM đến 8h13 AM ngày đầu tiên hàng tháng. Lễ kéo cờ vào ngày này gồm có sĩ quan cảnh sát Hồng Kông kéo một bên cờ, cùng với một đơn vị súng trường kéo cùng, cả hai đều mặc đồng phục theo nghi thức. Trong buổi lễ, bài quốc ca của ban nhạc cảnh sát sẽ được hát trước, tiếp đó là màn trình diễn diễn âm nhạc kéo dài 10 phút. Xin lưu ý rằng nếu thời tiết xấu, lễ kéo cờ có thể bị hủy bỏ. Cách đi: từ ga MTR Wan Chai, ra ở cử A5, sau đó đi bộ 15 phút tới địa chỉ số 1 Wan Chai.
+ Vịnh nước cạn Repulse Bay cũng là một trong những địa điểm “phải đi” trong chuyến du lịch này. Bên dưới là những dải cát vàng óng ánh, bên cạnh là ngôi đền Kwum Yum với những thiết kế cổ kính, xa xa là những dãy núi chập trùng đan xen với những tòa nhà cao tầng. Bạn sẽ thấy biển Hồng Kông đẹp đến lạ lùng. Cách đi: Từ bến xe Exchange Square (gần trạm tàu điện ngầm Hong Kong Station, ra ở cửa D), bạn đi xe buýt số 6, 6A, 6X, 66 hoặc 260 để đến Vịnh nước cạn.
+ Chợ quý bà (Ladies’ Market): nơi đây là khu mua sắm đủ các mặt hàng, giá cả cũng bình dân nhưng mình thấy chất lượng không được tốt cho lắm, khu chợ mở cửa đến tầm 11h30PM. Cách đi là đến ga MTR MongKok và ra ở cửa E2, đi dọc theo phố Nelson Street khoảng 2 blocks là tới.
+ Chợ đêm ở phố Temple (Temple Street Night Market): chợ này mở cửa sau 4h PM cho đến nửa đêm. Cách đi đến ga MTR Yau Ma Tei Station, ra ở cửa C rồi rẽ vào Temple Street hoặc đi đến ga MTR Jordan Station, ra ở cửa A, rẻ phải vào Jordan Road sau đó rẽ phải vào Temple Street.
Các điểm vui chơi giải trí ở Hong Kong:
+ Lan Quế Phường (Lan Kwai Fong): là một trong những điểm náo nhiệt của Hồng Kông với hơn 90 nhà hàng và quán bar. Bầu không khí ở đây nhộn nhịp với những ly rượu vang và những cốc bia tươi mát lạnh, thức ăn đa dạng phục vụ cho mọi khách hàng đặc biệt là vào tối thứ 6 và thứ 7. Giá cả đồ uống và thức ăn ở đây không quá đắt đỏ. Cách đi là đến ga MTR Central, ra ở cửa D2. Lan Quế Phường giữa 2 con đường: Wyndham và D’Aguilar.
+ Công viên đại dương (Ocean park): được khai trương vào năm 1977, nằm ở phía nam đảo HongKong được đánh giá là một trong các công viên hải dương lớn nhất thế giới với diện tích 915.000 m2. Cách đi : bạn có thể đi xe buýt số 629 gần cửa B ga MTR Admiralty hoặc từ bến tàu Central Star Ferry số 7 (thời gian di chuyển mất chừng 40 phút). Giá vé trọn gói cho người lớn là $280. Trẻ em dưới 3 tuổi được miễn phí vào cổng.
+ Hong Kong Disleyland: cách đi MTR line màu vàng đến trạm Sunny Bay thì chuyển sang line màu hồng. MTR sẽ đưa bạn tới ga cuối chính là cửa vào Disleyland. Tàu điện tuyến này cũng được trang trí rất đẹp mắt.
Một số kinh nghiệm đi chơi ở Hong Kong Disleyland như: Bạn xem trước giờ mở cửa Disleyland và các hoạt động diễn ra ở đây ở trang https://www.hongkongdisneyland.com (thường là Disleyland sẽ mở cửa vào 10h30 hàng ngày).
Nên chọn đi vào ngày đầu tuần vì cuối tuần Disleyland thường rất đông khách. Khi đến Disleyland thì nhớ lấy bản đồ Disleyland và lịch biểu diễn sau cổng vào (xem lịch diễu hành – thường diễn ra vào 15h và giờ bắn pháo hoa và một số hoạt động để sắp xếp lịch trình riêng cho mình).
Lưu ý là các hoạt động chụp ảnh với các nhân vật chỉ diễn ra đến 17h30 thôi còn một số hoạt động vẫn có thể chơi vào buổi tối được nhé ; tại một số trò chơi trong Disleyland có thể có dùng fastpass (bạn cho vé vào cửa vào cái máy đặt trước khu vui chơi, cái máy sẽ nhè cho bạn 1 cái vé fastpass, trên cái vé này có ghi giờ vào khu vui chơi, bạn có thể vào bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian này mà không cần phải xếp hàng)
Bạn nên chuẩn bị nước uống và đồ ăn nhẹ trước khi vào tham quan Hong Kong Disleyland vì giá cả ở đây rất đắt. Đồ ăn cũng không được ngon lắm.
Nếu tìm hiểu kỹ và biết cách kết hợp bạn có thể đi được tất cả những điểm trên trong thời gian 5 ngày ở Hồng Kông. Giữa Disleyland và Ocean park bạn chỉ nên lựa chọn 1 trong 2 vì thời gian chơi ở đây chiếm trọn 1 ngày, giá vé vào cổng cũng tương đối cao.
Trên đây là một số kinh nghiệm trong chuyến đi Hồng Kông dài 5 ngày của mình, mong muốn chia sẻ với độc giả Baynhe. Chúc các bạn sẽ có 1 chuyến đi thú vị trong tương lai, nếu thấy hữu ích thì các bạn share cho bạn bè và update thêm thông tin để mọi người cùng tham khảo.
Nếu bạn nào cần thông thông tin về vé máy bay, visa, dịch vụ chứng minh tài chính hoặc bất kỳ thông tin gì về chuyến đi thì có thể email cho mình theo địa chỉ email fangxe@gmail.com. Mình rất sẵn lòng chia sẻ.
Em đang định xin tháng 12 đi, cám ơn chị 😀
Cám ơn bạn. 🙂
Mail em là nthanhbinh1710@gmail.com.
Em cảm ơn.
Thanks bạn.
Mail m: luuduypham58@gmail.com
Em cám ơn chị nhiều ạ
Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng thì em cứ ra ngân hàng bảo là xác nhận cho em số dư tài khoản để em làm thủ tục đi du lịch em nhé. Xác nhận tài khoản thanh toán hay tài khoản tiền gửi có kỳ hạn đều được em à.
Sdt t 0985202858
Nhờ chị cho em xin thông tin công ty làm visa dịch vụ gấp được không ạ. Em cũng đang book vé giá rẻ Jetstar đi HK.
Em cám ơn chị.
Chị có thể giới thiệu cho em công ty dịch vụ xin visa được không ạ?
Vì em cũng hộ khẩu Hải Phòng. Mail của em là peach.hp10@gmail.com
Email của em: ngocthaongan.doan@gmail.com
Em cám ơn chị lần nữa