Từ Hạ Long sang Hải Phòng em theo đường cao tốc ven biển, quãng đường chừng 30 – 40km tuỳ điểm dừng (lòng cao tốc dài 25km).

Ranh giới giữa hai tỉnh thành này là cầu Bạch Đằng, ba trụ cầu là hình ba chữ H tượng trưng cho Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long. Cầu cao 48m, riêng trụ H giữa cao tới 100m, khánh thành năm 2018. 

Trạm thu phí đặt tên chân cầu, phía bên Quảng Ninh, thu phí 35k/xe, cả ETC và tiền mặt. 

Đi qua cầu Bạch Đằng, thoát ra khỏi cao tốc và rẽ phải là đường đi đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải. Cát Bà là địa danh du lịch nổi tiếng ở phía Bắc, muốn đi ô tô sang nó thì phải qua một cây cầu và một bến phà. 

Cầu tên là Đình Vũ – Cát Hải, dài thứ 9 ở ASEAN và là cầu dài nhất Việt Nam. Chỉ tính phần cầu chính (không tính đường dẫn hai bên) cầu đã dài 5,44km, vô địch hạng mục dài nhất và vượt biển dài nhất Việt Nam. Cầu khánh thành năm 2017, dẫn từ Hải Phòng sang đảo Cát Hải. 

Vượt cầu sang đến Cát Hải thì chắc chắn xe nào cũng phải đi qua Nhà máy VinFast. Em liền cho vợ VF e34 ghé cổng chụp kiểu ảnh checkin. Dù sao em ý cũng từ đó mà ra, nay được về thăm “nhà mẹ”, cũng bớt chút tủi thân. 

e34 xuyên Việt nhà máy VinFast Cát Hải

e34 xuyên Việt nhà máy VinFast Cát Hải

Cạnh cổng nhà máy VinFast có cây xăng PVOil, cũng là trạm sạc xe điện luôn. Bác nào đi xe điện có thể tham khảo vị trí này (hôm em đi thì chưa khánh thành, chưa hiển thị trên app. Trên app khi đó chỉ có 2-3 trạm thuộc nội bộ nhà máy, không cho khách ngoài vô). 

Nói chung, nhờ có công xưởng VinFast và cảng Lạch Huyện mà đời sống kinh tế của đảo Cát Hải khá lên. Từ một thị trấn chỉ có nghề làm mắm, làm muối, buồn tẻ và chậm phát triển, giờ thì đã đổi sắc hơn. 

Nghe nói, thành phố Hải Phòng sẽ quy hoạch xoá thị trấn này để biến đảo Cát Hải thành trung tâm logictis tầm cỡ. Người dân sẽ được “bế” đi định cư ở nơi khác. 

Từ bên đảo Cát Hải muốn qua tiếp đảo Cát Bà thì phải “luỵ” bến phà Gót/Cái Viềng. Mặc dù 7 phà to nhỏ chạy liên tục nhưng nếu đi xe ô tô vào cuối tuần mùa hè, các bác có thể phải chờ 30 phút đến vài tiếng. 

Mùa hè, chuyến phà muộn nhất là 7h tối.   

Đường trên đảo thì đẹp tuyệt vời vì Hải Phòng xông xênh tiền bạc đầu tư cho hạ tầng giao thông. Các bác có thể đi vào thị trấn bằng đường ven biển, rồi hôm về quay ra bến phà bằng đường xuyên rừng quốc gia. 

Trong 3 đảo ở Việt Nam có thể lái xe ô tô trên đường trải nhựa, em đánh giá Côn Đảo và Cát Bà cho nhiều cảm xúc phấn khích, sau cùng mới là đảo Phú Quốc. 

Em giải nghĩa tên địa danh Cát Bà: có nhiều thuyết, trong đó phổ biến cho rằng đọc chệch từ chữ Các Bà (nhiều bà). Theo truyền thuyết, xưa kia các ông trai tráng đi theo Thánh Gióng đánh giặc, đảo tập trung nhiều mẹ, vợ, chị em ở lại làm hậu phương. Đảo được đặt tên Các Bà, lâu dần chệch thành Cát Bà. Hiện nay phía trước đảo Cát Bà có đảo nhỏ mang tên Cát Ông (Các Ông). 

Em thì thích cách giải nghĩa: Cát là may mắn, Bà là các bà. Các bà đem lại may mắn, thì là Cát Bà. Trên đảo hiện có đền thờ Các Bà. Phải chăng linh thiêng, phù hộ con cháu nên người dân tin các bà đem lại sự may mắn, cát tường?1

Tương tự, huyện đảo Cát Hải nghĩa là biển mang lại may mắn, ấm no.  

Tại đường trung tâm thị trấn Cát Bà, các bác chú ý các biển báo, kẻo nhầm đường một chiều là “ăn” phạt. Em cũng lố xíu nhưng kịp quay đầu. Có bác e34 Hạ Long sang chơi, quay không kịp nên bị “thiến” 1 triệu, không rõ có biên lai không hay lại là “lót tay”. 

Nghỉ cao cấp nhất ở đây thì có mấy toà của Flamingo, quay thẳng mặt ra biển. Nhưng 5 sao kiểu Việt Nam, không phải 5 sao quốc tế. 

Ngoại truyện về Cát Bà và vịnh Lan Hạ: những năm 1990, khi Quảng Ninh làm hồ sơ xin xét Hạ Long là Di sản thế giới cũng có lời ngỏ ý ghép luôn Cát Bà – Lan Hạ nhưng mà phía Hải Phòng chưa quan tâm. Thời đó Chợ Sắt đang nổi, tập trung kinh tế vẫn là hơn mấy danh hiệu di sản. Rồi thì Hạ Long cũng có vương miện, ngày càng lộng lẫy và sáng giá. 

Nhiều chục năm sau, tháng 9-2012, Hải Phòng mới trình hồ sơ xét Cát Bà là di sản thế giới. 

Chắc mấy ông bà tây ở hội đồng UNESCO nghĩ rằng “tại sao một vùng biển Bắc Bộ Việt Nam lại phải trao 2 di sản?”, nên ngay tại vòng 1 bỏ phiếu Cát Bà đã bị loại. 

Bây giờ thì Hải Phòng đã chuyển hưởng sang “xin xét nối dài”, làm hồ sơ đề cử ghép Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là di sản.

Vịnh biển giáp ranh, mỗi lần tàu du lịch số hiệu Hải Phòng sang vùng biển Hạ Long, phía Quảng Ninh đều có ý kiến (xử phạt). 

Cát Bà các bác cứ nên thử ít nhất một lần. Cần thông tin, các bác đừng ngại hỏi em.

Giờ thì trở lại đất liền Hải Phòng – thành phố có nhiều nét kiến trúc Pháp.

Đọc tiếp: [e34 xuyên Việt] Ngày 6 & 7 & 8: Hải Phòng quê em