Ngày 1 (thứ Hai, 27/6/2022): Đi lên Móng Cái

Là ngày rời nhà, em gói ghém hành lý và đưa xe lên Móng Cái. Em chạy theo QL18 thôi, vì cao tốc lên Móng Cái chưa cho phép chạy (từ 01/8/2022 mới cho).

QL18 đoạn qua Quảng Ninh thì đường tốt, cũng vắng xe container do trên biên giới đang đóng.

Khoảng 19h30 tối thì lên tới thành phố Móng Cái, đến nghỉ tại nhà đứa em họ.

Ngày 2 (thứ Ba, 28/6/2022): Địa đầu Sa Vĩ – Trà Cổ

Sáng em dậy đưa xe ra checkin ở mũi địa đầu Sa Vĩ (cực Đông Bắc tổ quốc), thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái.

Em giải nghĩa tên địa danh Sa Vĩ: Sa là cát, Vĩ là đuôi. Sa Vĩ = đuôi cát, doi cát. Xưa các cụ nhà ta thấy đuôi cát nhô ra biển nên gọi “Sa Vĩ” là thế.

Tại đây, em ghé thăm cụm Công trình tuyên truyền thông tin biên giới, biểu tượng 8 hàng lá dương cao 27m vút lên trời, đúc từ bê tông, mạ kẽm. Vòng tròn bên dưới là phù điêu 54 dân tộc Việt. Cây dương mọc nhiều ở Sa Vĩ nên được chọn là biểu tượng ạ.

Xe điện VinFast e34 ở địa đầu tổ quốc Sa Vĩ

Du khách họ thấy xe điện đang đỗ nên chụp ảnh chung. Em thì thấy tài sản của mình được mọi người sờ ngắm tò mò thì cũng sướng.

Làm thêm kiểu ảnh tự sướng

7f57075ac5d4068a5fc5.jpg

Sau đó xuất phát từ cột mốc đầu tiên của chiều dài bờ biển Việt Nam (mốc ghi Cà Mau theo em là chưa chính xác, phải là Hà Tiên).

89a0a4ef6b61a83ff170.jpg

Anh chị này cũng ké chụp chung xe điện. Cột mốc theo em phải là Hà Tiên mới chính xác.

Con đường đầu tiên xuất phát mang tên Lạc Long Quân, địa phương họ đặt rất có ý nghĩa các CCCM nhỉ. Đường địa đầu là tên vua cha, từng dắt 50 người con xuống miền biển.

Điểm dừng chân đầu tiên là bãi biển Trà Cổ, được cho là dài nhất Việt Nam.

Em giải nghĩa tên địa danh Trà Cổ: Trà là Trà Phương, Cổ là Cổ Trai (tên 2 làng ở vùng Kiến Thuỵ ngày nay mà xưa kia 12 gia đình ngư dân Đồ Sơn di cư lên Móng Cái lập nghiệp, nhớ về quê mà ghép thành Trà Cổ)

Trên đường đi tiếp, em gặp ngay lễ hội của người dân Trà Cổ. Hay nhất là lễ rước 12 ông voi (ông lợn) gắn với lịch sử hình thành cộng đồng cư dân Trà Cổ. Con số 12 là tương ứng 12 gia đình có công lập làng hàng trăm năm trước.

Sau đó em vào đến trung tâm thành phố Móng Cái. Em ở đây khám phá Móng Cái 2 ngày vì có nhà em họ đón tiếp.

Em giải nghĩa tên địa danh Móng Cái: hàng trăm năm trước, các cụ thấy sông rộng lớn nên gọi sông Mang (ngày nay chúng ta có từ rộng mênh mang). Nơi buôn bán vùng biên sầm uất được gọi là Cái (chợ, nhưng do chữ Nôm thiếu âm nên chỉ viết được là Nhai và Nhai trong tiếng Hán cũng là phố thị). Vì thế vùng này có tên Mang Cai (viết thành Mang Nhai). Đến khi người Pháp vào, nhìn chữ Nôm, chữ Hán thì như giun, họ chỉ nghe được các cụ phát âm Mang Cai – Mang Nhai. Thế là tai nọ xọ tai kia, người Pháp phiên âm ra la-tinh thành Mon Cai (Mon Kay). Cuối cùng ta Việt hoá thành Móng Cái như ngày nay.

Em có đi một vòng Móng Cái về đêm, thành phố khá yên bình. Rất vui là được gặp anh em chi hội e34 Móng Cái, nên làm một kiểu ảnh chụp chung.

z3548114671939_5e0b2b2ba88fa0f8e4205299c766dbf9.jpg

Em áo đỏ cho các CCCM dễ theo dõi suốt chuyến đi này ạ!

Đọc tiếp: [e34 xuyên Việt] Ngày thứ ba: Trung tâm Móng Cái – Cẩm Phả – Hạ Long