Không khí nhộn nhịp của Lễ hội hoa Đà Lạt 2013 đang bao trùm cả thành phố cao nguyên ở độ cao 1.500m so với mực nước biển. Không biết bà con BayNhé có tới Đà Lạt dịp này không nhỉ? Hiếu sẽ viết 1 bài sơ lược để cung cấp một số thông tin du lịch của Đà Lạt – Thành phố “ba không” nhé 😀

Do thời gian khá gấp nên nội dung bài viết chia được chi tiết và đầy đủ, Hiếu sẽ bổ sung dần dần nhé. Mấy tuần nay, Hiếu cũng bận việc riêng và hơi ốm yếu nên không theo sát comment BayNhé, trong dịp nghỉ Lễ sắp tới Hiếu sẽ trả lời toàn bộ comment chưa có ai trả lời 😀 Bà con nào có việc gấp thì comment lại nhé.

Hi vọng, những thông tin Hiếu cung cấp dưới đây sẽ giúp các bạn có hiểu biết cơ bản về Đà Lạt. Rất mong những đóng góp, bổ sung và các bài viết của các bạn để thông tin BayNhé ngày càng phong phú hơn.

Thông tin du lịch Đà Lạt

Phương tiện di chuyển

Có 2 cách di chuyển chính tới Đà Lạt là Máy bay và Xe đò (Xe khách)

– Máy bay: Giá vé mình sẽ không nói ở đây mà chỉ liệt kê thông tin các chặng thôi. Thông tin khuyến mãi bà con theo dõi tin BayNhé nha 😀 VietJetAir khai thác chặng Hà Nội – Đà Lạt, Vinh – Đà Lạt. Còn Vietnam Airlines khai thác chặng Hà Nội – Đà Lạt, Đà Nẵng – Đà Lạt và Sài Gòn – Đà Lạt.

– Xe đò (Xe khách): 2 hãng xe chạy tuyến Đà Lạt được biết tới nhiều nhất là: Phương Trang http://futa.vn/, Thành Bưởi http://thanhbuoi.com.vn/. Nếu muốn đi xe thì bạn cứ điện thoại đặt trước giờ đi và đến trước giờ xe chạy 30 phút để lấy vé, xe trung chuyển miễn phí sẽ đón và trả khách trong phạm vi 10-15km tính từ phòng vé gần nhất. Thông thường để tiết kiệm thời gian bạn nên đi chuyến tối từ Sài Gòn thì sáng sớm sẽ tới nơi, đường đi là đường đèo nhưng các bác tài lái quen nên cũng không có vấn đề gì lắm. Ngoài ra, ở bến xe miền Đông cũng có rất nhiều nhà xe chạy tuyến này vài chục phút có một chuyến.

Từ Nha Trang lên Đà Lạt thì chỉ có Phương Trang khai thác thôi. Các bạn cứ điện thoại đặt trước càng sớm càng tốt nếu đi vào dịp cao điểm nhé (7-10 ngày cũng được). Còn di chuyển trong địa phận Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) bạn có thể sử dụng xe máy thuê, taxi hoặc xe bus. Chú ý đặt chỗ sớm để có chỗ ngồi tốt hơn vì dù đi từ Sài Gòn hay Nha Trang lên Đà Lạt thì đường cũng đều khá xóc và quanh co, ngồi hoặc nằm ở tầng 1 phía đầu hoặc giữa xe là tốt nhất.

Khoảng cách giữa sân bay Liên Khương (Đà Lạt) và thành phố Đà Lạt là khoảng 30km. Taxi 1 chiều có giá 200k (giá chuẩn và các hãng đều để giá vậy. Nếu muốn tiết kiệm thì bạn có thể sử dụng xe trung chuyển (Shuttle bus) giá 40k/chiều, thời gian chạy theo giờ bay của các chuyến. Ngay khi hạ cánh, bạn đi thẳng ra cửa trước sẽ thấy xe đang đỗ chờ, leo lên xe và mua vé trực tiếp luôn. Bạn có thể đặt vé chiều về từ Đà Lạt ra sân bay ngay với tài xế hoặc đặt trước qua điện thoại theo số 0913747430 hoặc 0918564686, sẽ có xe đón khách miễn phí tại khách sạn trong thành phố trước 2 tiếng so với giờ bay hoặc bạn tự đi tới đầu đường Hồ Tùng Mậu (cạnh Big C) để đón xe trung chuyển.

Trong địa phận Lâm Đồng cũng có nhiều tuyến bus chạy giữa các điểm, các bạn có thể tìm hiểu thêm ở đây. Nhưng Hiếu thấy thuê xe máy chạy trong thành phố Đà Lạt là hợp lý nhất 😀 Giá thuê xe khoảng 80-100k ngày thường, ngày lễ và dịp cao điểm có thể tăng lên tới 120-150k/ngày. Các bạn chú ý để mặc cả nhé, có thể nhờ khách sạn, nhà nghỉ bạn đang ở thuê giùm biết đâu lại có giá tốt hơn vì họ thuê quen rùi. (Chú ý: thuê xe máy dù ở bất kỳ đâu cũng đã bao gồm mũ bảo hiểm rùi nhé, có bạn không biết bị họ thu thêm tiền mũ bảo hiểm nữa). Nhận xe máy xong, bạn cần kiểm tra phanh, khởi động thử, xăng xe cẩn thận trước khi bắt đầu hành trình nhé.

Xung quanh Hồ Xuân Hương cũng có dịch vụ cho thuê xe đạp đôi theo giờ (đặt cọc chứng minh thư) với giá hợp lý, bạn nhớ thoả thuận giá rõ ràng trước khi thuê nhé.

Khách sạn, nhà nghỉ tại Đà Lạt

Đà Lạt có 2 loại nhà nghỉ, khách sạn chính là dạng thông thường và dạng biệt thự.

Dạng thông thường có rất nhiều và tập trung ở trung tâm thành phố Đà Lạt với các trục đường chính xung quanh Chợ Đà Lạt: đường Phan Bội Châu, Nguyễn Chí Thanh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Đại Hành,… Trong dịp Lễ hội hoa sắp tới chắc lượng khách sẽ tăng vọt do đó có thể các trang đặt phòng sẽ cháy phòng. Tuy nhiên, nếu có kế hoạch đột suất muốn lên Đà Lạt thì bạn cứ đi, lên đó tìm sẽ còn nhiều hotel, nhà nghỉ. Giá thông thường khoảng 150-200k/phòng 2 người, giá ngày Lễ, dịp cao điểm có thể chắc sẽ không có giá dưới 300k được.

Dạng biệt thự ở khu vực rìa thành phố dành cho nhóm khách gia đình, bạn bè vì giá thuê cả căn thường dao động ở mức 1.000.000/căn có thể ở được từ 10 người tới vài chục người hoặc 300k-400k/phòng biệt thự.

Ẩm thực Đà Lạt

Đà Lạt cũng có rất nhiều quán ăn ngon mà bạn có thể ghé vào thưởng thức, tuy nhiên trong một bài viết này chắc Hiếu sẽ không đưa hết thông tin được do đó Hiếu chỉ liệt kê các quán mà Hiếu đã từng ăn thôi nhé 😀

Bánh canh Xuân An 15A đường Nhà Chung. Buổi sáng quán bán món bún bò Huế, buổi chiều bán bánh canh. Hương vị bún bò nơi đây rất đặc trưng, do người Huế chính gốc đứng bán. Nồi nước dùng thơm lừng, bốc khói nghi ngút, tô bún bò hấp dẫn, đĩa rau sạch sẽ, tất cả sẽ làm cho cái lạnh buổi sáng Đà Lạt tan biến đi trong bạn.

Bánh tráng trộn của Hot girl bánh tráng trộn ở số 1 Nhà Chung (ngay gần Bánh canh Xuân An) mới đây cũng đã trở thành 1 địa điểm thú vị. Quán mở từ 15h tới nửa đêm các bạn nhé. Cám ơn bạn Đức đã góp ý địa điểm này 😀

Chè Hé đầu đường 3-2 là một quán chè từ lâu đời với tên gọi bắt nguồn từ việc cửa luôn mở hé để hạn chế những cơn gió lạnh thổi vào trong quán. Quán mở cửa từ chiều tôi, có 2 loại chè nóng (10k) và chè lạnh (5k) với nhiều hương vị cho bạn lựa chọn. Nếu phải đứng chờ 1 chút vì lượng khách quá đông thì bạn cũng đừng phiền lòng nhé.

Bánh mỳ Liên Hoa ngay sát quán Chè Hé cũng là tiệm bánh nổi tiếng ở Đà Lạt. Nếu không muốn thưởng thức các loại bánh ngọt tại cửa hàng, bạn có thể mua vài ổ bánh mỳ vừa ra lò để mang theo ăn khi đói bụng. Tiệm bánh mở cửa từ 7h – 23h30.

Bánh căn đầu đường Tăng Bạt Hổ cũng rất ngon, sau khi gọi bánh chắc bạn sẽ phải chờ vài 3 phút vì bánh ra cái nào là hết cái đó rùi 😀

Bánh tráng trứng, sấp sấp (tương tự gỏi bò khô), ngô nướng luộc bạn có thể tìm mua tại nhiều con đường ở Đà Lạt nhưng tập trung nhất vẫn là khu vực chợ Đà Lạt.

Lưu ý:Hải sản ăn tại chân cầu thang chợ Đà Lạt thực sự không ngon, nhiều con ốc có dấu hiệu chết từ lâu ngày nên Hiếu khuyên các bạn không nên ăn, nếu ai sẽ đi Nha Trang thì cố gắng chịu đựng tới khi xuống tới thành phố biển thì sẽ thoải mái ăn uống luôn 😀 Trứng vịt lộn ăn ở quán dưới chân cầu tháng nhiều quả trứng quá già đến nỗi không thể ăn được, nếu muốn ăn bạn chịu khó đi bộ tới gánh hàng rong của 1 bác chuyên ngồi ở trước cửa phòng giao dịch Vietcombank đầu phố Phan Bội Châu nhé.

Mua sắm Đà Lạt

Đến Đà Lạt bạn có thể mua sắm đồ len, đồ lưu niệm ở nhà thờ Domaine de Marie và chợ đêm. Các sản phẩm mứt, củ quả sấy khô như mít sấy, mứt các loại ở chợ Đà Lạt – lưu ý: bạn nên mua ở những cửa hàng lớn ở chợ mặt đường Lê Đại Hành (ngay sát cầu thang bộ lên xuống chợ) đừng mua ở các quầy hàng nhỏ giá rẻ hơn ở khu vực chợ đêm vì Hiếu thấy chất lượng không tốt bằng, thường bạn mua ở cửa hàng nào cũng có chính sách mua 4-5 gói tặng 1 gói miễn phí :D.
Chú ý: Hiện nay rất nhiều mặt hàng mứt, đồ sấy khô là hàng Tàu hoặc hàng không rõ xuất xứ được bày bán trà trộn dưới thương hiệu đặc sản Đà Lạt. Theo kinh nghiệm của nhiều bạn, chỉ có củ quả sấy khô, khoai tẩm gừng, mứt khoai,… là đặc sản thật của Đà Lạt thôi. Mứt hoa hồng cũng được quảng cáo ở Đà Lạt nhưng có bạn báo tin là mứt Trung Quốc thôi.

Bơ sáp, chuối tiêu, dâu tây có thể mua ở chợ Đà Lạt hoặc chợ nông sản gần hồ Than Thở. Riêng dâu tây thì ở cổng vào Lang Biang cũng có cửa hàng chuyên xuất bán dâu đi Sài Gòn, bạn có thể vào lựa và mua luôn. Đà Lạt nổi tiếng với dâu tây nên với các lời mời tới vườn hái dâu bạn hãy thật cẩn thận nhé, đôi khi đó chỉ là trò lừa gạt mà thôi. Hoa tươi các loại bạn có thể mua ở các trang trại hoa, vườn hoa thành phố và tại các showroom hoa.

Trà ô long, trà atiso, trà thảo dược, cafe, rượu vang, rượu cần,… các bạn tham khảo ở đây nhé.

Các địa điểm du lịch ở Đà Lạt

Từ trung tâm thành phố Đà Lạt – Hồ Xuân Hương, bạn có thể chia ra một số hướng tham quan chính như sau:

– Hướng tham quan Thung lũng Tình Yêu – Đồi Mộng Mơ: 2 điểm này đều nằm trên đường Mai Anh Đào, nhìn đường đi có vẻ rắc rối nhưng từ Hồ Xuân Hương bạn cứ đi theo đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Tử Lực khoảng 5km là tới. Người dân Đà Lạt rất dễ thương, sẵn sàng chỉ đường giúp bạn ngay 😀

Thung lũng Tình yêu là địa danh thơ mộng và trữ tình nhất của Đà Lạt. Thắng cảnh này đẹp và cuốn hút bởi lũng sâu và đồi thông xanh mướt. Du khách có thể men theo những lối mòn hoặc leo cả trăm bậc, đi qua những cổng hoa với màu sắc rực rỡ để lên đồi Vọng Cảnh. Từ đây, Thung lũng Tình Yêu hiện ra trong tầm mắt đẹp tựa một bức tranh sinh động và hữu tình.
Bạn có thể tản bộ dưới thung lũng, thuê xe đạp đôi hoặc đi tàu hoả kéo để vào sâu trong thung lũng.

Thông tin du lịch Đà Lạt
 Click vào hình để xem bản đồ lớn

Đồi Mộng Mơ là một thắng cảnh thơ mộng của Đà Lạt, mà ngay tên gọi của nó cũng đã nói lên chất “thơ”. Có người nói rằng: Đồi Mộng Mơ là Đà Lạt thu nhỏ, Tây Nguyên thu nhỏ điều đó quả thực không sai. Đồi Mộng Mơ là khu du lịch mới xây dựng gần đây, với sự sắp xếp đầy nghệ thuật các biệt thự, hồ nước, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, khu bán đồ lưu niệm,… tất cả tạo nên một khu du lịch khép kín đang rất thu hút khách tham quan.

Ngoài cảnh đẹp, đồi Mộng Mơ còn có sự phá cách bởi biết kết hợp nét đẹp văn hóa cổ truyền. Những chương trình ca múa nhạc cùng các lễ hội cồng chiêng sẽ đem đến những thu vui riêng cũng như nhiều kiến thức mới cho du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Đồi Mộng Mơ còn có làng Văn hoá dân tộc, nơi trưng bày chum ché cổ Tây Nguyên, tham quan đồng bào dân tộc nấu rượu cần, giã gạo, dệt thổ cẩm,… cũng như xem biểu diển nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên như: Crăm, Đinh Pá, chinh Pó, chinh Arapmaoh, đàn T’rưng, khèn bầu và đàn đá. Tất cả điều đó quyện lại với nhau tạo nên vẻ đẹp rất riêng đầy quyến rũ của đồi Mộng Mơ.

Hướng tham quan núi Lang Biang – Hồ Suối Vàng: đi theo đường Phan Đình Phùng, tới ngã 3 lớn rẽ phải theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đi khoảng 10km sẽ tới núi Lang Biang. Trên đường đi sẽ thấy biển chỉ đường rẽ phải để tới Hồ Suối Vàng (7km).

Hồ Suối Vàng là một điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Đà Lạt nằm cách trung tâm Đà Lạt 12km về phía Bắc,  trông như một thiếu nữ vừa bước vào tuổi thanh xuân nằm phơi mình bên những đồi thông xanh biếc trập trùng. Nơi đây, năm 1893 bác sĩ A.Yersin đã từng ngây ngất trước vẽ đẹp thiên nhiên của núi non hùng vĩ trên cao nguyên Langbiang và từ đó đã khai sinh ý tưởng thiết lập một trạm nghỉ dưỡng trên cao nguyên – thành phố Đà Lạt. Cái tên hồ Suối Vàng không biết do ai đặt, có lẽ do ở đây có rất nhiều vàng sa khoáng. Nhưng dù sao từ hơn 50 năm qua dòng nước mát Suối Vàng đã thực sự cung cấp nước và điện nuôi sống thành phố Hoa – Đà Lạt.

Núi Lang Biang còn được gọi là Núi Mẹ, gồm 2 ngọn, có độ cao 2.167m. Chuyện xưa kể rằng có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết – chàng K’lang và nàng Hơ Bian. Do lời nguyền thù hằn của hai bộ tộc mà hai người đã phải chia lìa. Nàng sau khi chết đã hóa thân thành dãy núi mà người dân tộc Hơ Ho-lạch gọi là Núi Mẹ và sữa từ bộ ngực của nàng đã tuôn tràn thành những dòng suối, dòng thác tươi mát cho đời. Từ đó hai ngọn núi được đặt tên là Lang Biang.

Từ bãi xe dưới chân Núi lên đỉnh núi bạn có thể đi xe Jeep (240k/xe 6 người) hoặc đi bộ để ngắm cảnh (6km nhưng leo núi hơi bị mệt). Nếu đi lẻ bạn có thể chờ ở trạm xe tới khi đủ người thì thuê 1 chiếc xe Jeep và share tiền chứ đi 2 người mà 240k thì hơi phí :D. Hiếu đi xe Jeep có quay lại video để bà con thưởng thức toàn bộ khung cảnh trên đường lên đỉnh Lang Biang. http://www.youtube.com/watch?v=7LKCQdSompI. Xe lên tới đỉnh và bạn có 30-40 phút để chụp ảnh, mua sắm đồ thổ cẩm, ăn uống trước khi xe đón để trở về chân núi. Các dịch vụ khác bạn có thể khám phá nếu có thời gian như: dù lượn, leo núi bằng đường mòn hoặc dây, kính vọng cảnh (5000 VND/3 phút),… Dù trời nắng hay nhiều mây thì đỉnh Lang Biang vẫn có nhiều điều thú vị để bạn khám phá.

Trở lại chân núi, nếu có thể bạn hãy chờ tới 18h, khi đó các bạn có thể tham gia Chương trình giao lưu Văn hóa Cồng chiêng Đà Lạt kéo dài 2 tiếng để hòa mình vào Đêm hội với những lời ca, tiếng hát, điệu múa, tiếng cồng chiêng của  những chàng trai, cô gái dân tộc Lạch. Đây là 1 chương trình rất thú vị nhưng dân du lịch bụi thường bỏ qua vì có thể chưa nắm được thông tin.
Để tham gia vào chương trình, Hiếu chưa thấy bán vé lẻ cho khách còn tour thì thu khoảng 70-90k/khách. Do đó, bạn có thể hỏi xem chương trình có bán vé lẻ không, nếu không thì cứ vào tham gia cũng không sao vì 1 chương trình kéo dài 2 tiếng có khoảng vài trăm người tham gia nên không kiểm soát được khách đâu 😀 Không phải mình trốn vé nhưng không bán vé thì biết làm sao?
Thường có 1 show lúc 18h30 ngày thứ 6, thứ 7 hàng tuần, nếu có đoàn du lịch hoặc tour đặt thì mới tổ chức trong tuần (nếu vào mùa du lịch thì Hiếu thấy ngày nào cũng có vì các công ty tour đặt là sẽ tổ chức thôi).
Update: Hiếu đã xin được số của anh Nguyên 0918.248.733 chuyên tổ chức chương trình giao lưu. Giá vé cho đoàn dưới 10 người là 400k/đoàn. Trên 10 người giá 35k/người. Khi mua vé bạn sẽ có các quyền lợi là: 1 ché rượu cần riêng cho đoàn + 1 xiên thịt rừng nướng cho mỗi thành viên.

Ý kiến của bạn Anhdn: Có thời gian thì dành 1 ngày để leo núi Lang Biang (có đường tắt xuyên qua rừng thông tuyệt đẹp, ngắn hơn 1/2 so với đi men theo đường nhựa của xe jeep, tổng quãng đường leo bộ lên đỉnh Liang Biang (cao hơn đỉnh radar nơi xe jeep đỗ) vào khoảng 4,2km.

– Hướng tham quan Dinh Bảo Đại, thiền viện Trúc Lâm, Thác DatanLa:

Dinh Bảo Đại (Dinh III) nằm ở đầu đường Triệu Việt Vương (đầu Lê Hồng Phong). Từ Dinh Bảo Đại bạn đi theo đường Triệu Việt Vương, Trần Thánh Tông khoảng 4 km sẽ tới Thiền Viện Trúc Lâm. Đi tiếp khoảng 2,5 km sẽ tới thác Datanla. Từ thác Datanla bạn về lại thành phố theo đường đèo Prenn luôn nhé (5 km).

Dinh Bảo Đại (Dinh III) là tên gọi để chỉ biệt thự nghỉ hè của vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn đồng thời cũng là vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam. Sau này khi người Pháp đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền từ năm 1948 rồi thành lập “Hoàng triều Cương Thổ” vào năm 1950, nơi đây còn được gọi là Biệt điện Quốc trưởng. Được xây dựng từ năm 1933 gồm 25 phòng, Dinh 3 là một tòa dinh thự vô cùng trang nhã, gắn mình trong khung cảnh thơ mộng của một đồi thông ở độ cao 1539m.
Dinh III có 2 tầng với 25 phòng, ban công, vườn hoa rộng lớn; bạn có thể nghe hướng dẫn viên thuyết minh, tham quan và chụp ảnh với những bộ đồ vua chúa thời Nguyễn.

Thiền viện Trúc Lâm là một công trình kiến trúc độc đáo bên cạnh hồ Tuyền Lâm. Đi lên từ phía hồ Tuyền Lâm là một con đường dốc có 140 bậc thang bằng đá, hai bên là những rặng thông cao vút dẫn qua 3 cổng tam quan để vào chính điện. Hồ Tuyền Lâm lại có phong cách rất đẹp và trữ tình, bạn có thể tổ chức 1 buổi picnic, cắm trại tại đây để thưởng thức cảnh sắc và tận hưởng bầu không khí thư thái, tĩnh tâm.
Vườn hoa của thiền viện cũng là một trong những điểm du khách không thể bỏ qua và là vườn hoa hiếm hoi sưu tập nhiều loại hoa lạ. Các giống hoa được các tăng ni ươm trồng và có hẳn một vườn ươm và cấy ghép. Các giống hoa được hòa thượng mang từ khắp nơi trên thế giới về ươm trồng, nổi tiếng nhất là giống: sim tím, bông gòn Úc, phù dung,…

Bạn Anhdn có ý kiến: Không nên vào Vườn hoa thành phố vì vừa mất phí tham quan (20k) vừa chẳng biết loại hoa gì với hoa gì (dù có nhiều loại nhưng mình chỉ tìm thấy duy nhất 1 biển tên hoa), thay vào đó có thể đên Thiền viện Trúc Lâm (miễn phí thăm quan) cũng có vườn hoa rất đa dạng, đẹp và đầy đủ tên hoa.

Từ Thiền viện bạn có thể đi cáp treo (30k/một lượt, 50k/khứ hồi – thời gian di chuyển 12 phút/lượt) sang Nhà hàng Cáp treo Đà Lạt nằm trên đồi Robin để thưởng thức bữa trưa, 1 ly cafe Đà Lạt hay chỉ đơn giản là ngắm cảnh Đà Lạt từ độ cao 1575m thông qua kính vọng cảnh.

Sau đó, bạn có thể quay trở lại Thiền viện hoặc trở về trung tâm thành phố tuỳ theo phương tiện di chuyển. Tuy nhiên, sẽ thật tiếc nếu tới Đà Lạt mà bạn không ghé thăm một trong những ngọn thác của Đà Lạt. Phù hợp nhất với hành trình này là thác Datanla. Từ cổng vào xuống tới chân thác bạn có thể đi bộ mấy trăm bậc hoặc sử dụng hệ thống máng trượt (30k/1 lượt, 45k/khứ hồi). Thông thường, đi xuống bạn nên đi máng trượt để trải nghiệm cảm giác mạnh, còn trở lên nếu không đi máng trượt thì bạn sẽ leo bậc thang khoảng 7 – 10 phút sẽ lên tới cổng ra.
Nếu có thời gian bạn có thể tham gia khám phá Vực Tử Thần bằng cáp treo hoặc đường rừng, đu dây vượt thác, lội suối hay thưởng thức 1 cây kem Merino mát lạnh sau khi đã hoàn thành hơn 200 bậc thang. 😀

 – Các điểm tham quan khác:

Hồ Xuân Hương nằm ở trung tâm thành phố Đà Lạt, là trái tim của Đà Lạt và điểm nhấn nổi bật của thành phố. Đường bao quanh hồ dài khoảng 5 km, xung quanh hồ có nhà hàng Thuỷ Tạ, Thanh Thuỷnằm đối diện nhau với kiến trúc và khung cảnh rất thơ mộng. Cũng có cả siêu thị BigC mới khai trương tháng 8/2013 ngay gần nhà hàng Thuỷ Tạ – đường Trần Quốc Toản.

Chợ Đà Lạt vào ban ngày là nơi cung cấp thực phẩm, đồ dùng cho người dân còn buổi tối thì từ chợ đêm kéo dài hết đường Nguyễn Thị Minh Khai là các cửa hàng bán quần áo, đồ lưu niệm, đồ ăn. Bạn cứ mặc cả để có giá tốt nhất nhé. Phần lưu ý về ẩm thực, mua sắm Hiếu đã ghi ở phía trên.

Vườn hoa thành phố nằm ở góc phía Bắc của Hồ Xuân Hương với hàng trăm nghìn loại hoa và cây cảnh được chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên nên quanh năm đều đua nhau khoe sắc. Nếu muốn một cành hồng hay một gốc lan để tặng người thương bạn cũng có thể thoải mái lựa chọn và mua ngay tại đây.

Ga Đà Lạt đầu đường Quang Trung cũng là một địa điểm không nên bỏ qua khi tới Đà Lạt. Khung cảnh êm đềm với những đầu máy xe lửa cũ kỹ đã từng là chủ đề chính của rất nhiều cặp uyên ương. Hơn nữa, chuyến tàu tới Trại Mát sẽ khởi hành 5 chuyến/ngày nếu có khoảng 20 khách mua vé mỗi chuyến.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ngay gần Ga Đà Lạt với kiến trúc toà nhà cong độc đáo mang đậm dấu ấn châu Âu sẽ khiến những người khó tính nhất cũng phải đưa máy ảnh lên làm vài kiểu.

Nhà thờ Domaine de Marie (cách đọc: đô-mên) là sự kết hợp hài hòa giữa các kiểu kiến trúc phương Tây với kiến trúc dân gian của dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Nhà thờ Domaine được xây dựng không có tháp chuông cùng với tông màu hồng đậm trên các bức tường là đặc trưng không thể nhầm lẫn với bất kỳ nhà thờ nào khác ở Đà Lạt.
Nếu muốn hiểu rõ hơn về nhà thờ bạn có thể nhờ các sơ ở đây giới thiệu về lịch sử của nhà thờ và cuộc đời của bà phu nhân toàn quyền Đông Dương Decoux (Suzanne Humbert) – người có công chính trong việc xây dựng nhà thờ. Và đừng quên ghé qua cửa hàng đồ len, tranh thêu, xương rồng,… do chính những trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng tại đây làm ra. Chất lượng đồ len ở đây khá tốt và giá cũng phải chăng nên bạn mua làm quà là rất hợp lý.

Biệt thự Hằng Nga – Crazy House http://www.crazyhouse.vn/

Công trình này ban đầu có tên là Biệt thự Hằng Nga, sau được đổi thành “Crazy House” hay “Ngôi nhà quái dị” bởi cái tên ban đầu đã bị một số nơi khác sử dụng theo. Bạn có thể đến đây để tham quan kiến trúc đặc biệt của biệt thự đúng như tên gọi thậm chí lưu trú qua đêm như khách sạn thông thường. Nhưng chú ý từ ngày 01/06/2014, Crazy House mở cửa phục vụ khách tham quan vào các ngày trong tuần (Thứ 2 đến Thứ 6) từ 8:30 AM đến 7:00 PM (Dịch vụ tham quan: Thứ 7 & Chủ Nhật nghỉ). Riêng dịch vụ lưu trú (khách sạn) vẫn phục vụ khách bình thường.

Các địa điểm khác như Thác Prenn, Thác Voi, Thác Hang Cọp, Đồi cù,… mời các bạn xem tiếp ở đây

Bản đồ Đà Lạt

Bạn có thể tới Đà Lạt và mua Bản đồ giấy với giá 15.000 VND, sử dụng bản đồ Hiếu tìm được ở đây hoặc bản đồ Hiếu tự làm phía dưới nhé.

 

Thông tin các chương trình của Lễ hội hoa Đà Lạt 2013

Các chương trình chính của Lễ hội hoa Đà Lạt 2013 – Mời các bạn xem ở đây

File thông tin chi tiết mời các bạn xem ở đây

[colorbox title=”Thông tin thú vị” color=”#AE2525″]

Đà Lạt – thành phố “ba không”: Không đèn đỏ; Không xích lô; Không điều hoà nhiệt độ.
Các bạn có thể tìm hiểu thông tin chi tiết ở đây – Click

Địa danh Đà Lạt được bắt nguồn từ chữ Đạ Lạch, tên gọi của con suối Cam Ly. Khởi nguồn từ huyện Lạc Dương, dòng suối Cam Ly chảy qua khu vực Đà Lạt theo hướng bắc – nam, trong đó đoạn từ khoảng hồ Than Thở tới thác Cam Ly ngày nay được gọi là Đạ Lạch.[3] Theo ngôn ngữ của người ThượngDa hay Dak có nghĩa là nước, tên gọi Đà Lạt có nghĩa nước của người Lát, hay suối của người Lát. Trong một bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Revue Indochine tháng 4 năm 1944, công sứ Cunhac, một trong những người tham gia xây dựng thành phố từ ngày đầu, đã nói: “Cho mãi tới những năm sau này, khung cảnh ban sơ vẫn không có gì thay đổi. Ở tại chỗ của cái hồ nước trước đó, con suối nhỏ của bộ lạc người Lát đã chảy qua và người ta đã gọi suối này là Đà Lạt”.[4] Vào thời kỳ đầu, các bản đồ cũng như sách báo thường chỉ nhắc đến địa danh Dankia hay Lang Biang. Nhưng sau khi Đà Lạt được chọn làm nơi nghỉ dưỡng thay vì Dankia, và đặc biệt từ khi nơi đây trở thành một thành phố, địa danh Đà Lạt mới xuất hiện thường xuyên.[/colorbox] [colorbox title=”Thông tin cần chú ý khi tới Đà Lạt” color=”#AE2525″]

– Dâu tây là đặc sản của Đà Lạt nhưng cũng vì vậy mà du khách rất dễ bị lừa. Bạn hãy cẩn thận với những các lời mời tới vườn hái dâu nhé.

– Hải sản không nên ăn ở Đà Lạt, nếu ăn hãy chọn quán sạch sẽ, có thể lựa chọn.

– Các sản phẩm sấy, khô như mít sấy, mứt các loại ở chợ Đà Lạt – lưu ý: bạn nên mua ở những cửa hàng lớn ở chợ mặt đường Lê Đại Hành (ngay sát cầu thang bộ lên xuống chợ) đừng mua ở các quầy hàng nhỏ giá rẻ hơn ở khu vực chợ đêm vì Hiếu thấy chất lượng không tốt bằng, thường bạn mua ở cửa hàng nào cũng có chính sách mua 4-5 gói tặng 1 gói miễn phí 😀

– Hồ Than Thở và thác Cam Ly là 2 địa điểm nổi tiếng ở Đà Lạt nhưng hiện tại 2 điểm này đang trong quá trình tu sửa nên rất ngổn ngang, bừa bộn.

Bạn có thể nhờ Bụi đặt vé máy bay. Bạn cũng có thể vào đây rao nhượng vé máy bay.

Nhiều bạn hỏi Bụi việc đặt phòng khách sạn giá rẻ, bạn có thể sử dụng 1 trong bốn trang sau rất uy tín. 1. Trang Agoda.com có nhiều khách sạn ở Việt Nam và ASEAN. 2. Trang Hostel2Thailand.com chuyên phòng và các show, tour ở Thái Lan. 3. Trang Hostelworld.com chuyên phòng tập thể giá rẻ. 4. Trang Booking.com có ưu điểm không phải trả tiền trước.

[/colorbox]