5h sáng sớm em mở app VinFast thấy dưới hầm chung cư Green Bay có trạm 11Kw nên em vào sạc lên được 5% thì chạy tiếp sang Vinpearl đảo Rều. Tại đây có mấy trụ sạc siêu nhanh 60Kw nên chờ gần một tiếng là full pin.

No pin là em lại phi ra chỗ chân cầu Bãi Cháy checkin buổi sáng. Nhìn sang khu Hòn Gai bên kia thì có vòng xoay Sun World.

20220630_090733.jpg

Bên trái ảnh (phía mũi xe) là khu Bãi Cháy, bên phải ảnh (đuôi xe) là khu Hòn/Hồng Gai

Em giải nghĩa tên địa danh Bãi Cháy: hàng trăm năm trước, ngư dân hay gom cỏ dại ở đây để thui thuyền (đốt bên ngoài vỏ thuyền để đốt các con hà bám chặt). Hoạt động phóng lửa quá tay sẽ làm cháy cả thuyền bè, hoặc cháy cả làng ven biển… nên khu này bị gọi là Vạ Cháy (tự nhiên gặp cái vạ/hoạ bị cháy hết) hoặc Bãi Cháy (cái bãi suốt ngày cháy). Hình như ở Hạ Long bây giờ vẫn có phố Vạ Cháy.

Em giải nghĩa tên địa danh Hòn Gai: cũng hàng trăm năm trước, các cụ nhà mình gọi Hán Việt nơi đây là Hồng Hải vì thấy biển màu đỏ, phù sa cửa sông. Người Pháp vào nghe phát âm của các cụ nên đã phiên được ra ký tự la-tinh là Hong Hai, nhưng họ hay dùng chữ Y nên chệch thành Hong Hay (giống Cai ở chữ Mang Cai – Móng Cái họ hay viết thành Mon Cay; Yên Bái được viết là Yen Bay). Rồi trong ngữ pháp tiếng Pháp thì âm H đứng giữa là âm câm nên họ cho rằng viết cũng như không, cần gì viết vào. Thế là Hong Hay thành Hong Ay. Rồi tiếng Pháp lại có trò viết cứ liền hai âm thành một, thế là Hà Nội thành Hanoi, Hải Phòng thành Haiphong, Sài Gòn thành Saigon. Nên cuối cùng Hong Ay đã biến thành Hongay. Xong chúng ta lại phiên tách ra thành Hon Gay (đưa chữ G sang âm Ay, năm 1946 vẫn có đặc khu Hon Gay) và Hòn Gai là từ cuối cùng đến ngày nay. Như vậy sau bao liền biến đổi, từ âm chuẩn Hồng Hải đã thành Hòn Gai. Ngày nay Hạ Long vẫn có phố tên là Hồng Hải thì phải. Chữ Hồng có gốc lâu dài, các bác gọi Hồng là đúng tổ tiên.

20220630_171410.jpg

Cầu Bãi Cháy khánh thành năm 2006, bắc qua cửa Lục, nối khu Bãi Cháy và Hòn/Hồng Gai.

Xong rồi thì em lại qua cầu để sang khu Hòn Gai ăn chả mực. Chả mực giã tay là đặc sản nổi tiếng của Hạ Long. Nếu thịt mực cho vào xay máy thì sẽ mịn, cắn miếng chả sẽ không thấy sần sật như giã tay.

Em ăn bánh cuốn chả mực ở ngõ 1 phố Rạp Hát. Nơi đó cũng bãi đậu xe rộng (của cả khu vực) và tập trung rất nhiều quán bán chả mực. Một suất gồm 6 bánh cuốn tráng tay nhân thịt + 2 miếng chả mực chiên = 40k các bác nhé.

chamuc1.jpg

Một suất sẽ gồm đĩa bánh cuốn (6 cái) tráng tay và 2 chả mực là 40k. Tổng hai suất như hình là 80k.

Món tiếp theo em thử là sữa chua trân châu Hạ Long ở quán ngay gần Bảo tàng Quảng Ninh. Quán mặt đường, đông xe du khách ghé vào.

Sữa chua thì lạnh, vị chua vừa phải nhưng kết cấu hơi xốp, cảm nhận được kiểu đông đá. Khẩu vị em là thích sữa chua mềm mịn cơ.

Trân châu thì nóng, được trộn nước dừa, để trong cốc (chén) riêng. Khi ăn thì múc trân châu đổ lên sữa chua. Nói chung cũng nên thử các CCCM ạ!

suachua.jpg

Mỗi suất gồm một sữa chua (lạnh) và một trân châu (nóng), giá 30k. Như hình là 60k.

Thăm Cung triển lãm hình cá heo, Bảo tàng Quảng Ninh (rất đáng vào trong) thì em theo đường bao biển Hạ Long để lên lại cầu Bãi Cháy. Đường quanh co còn hơn Tây Bắc. Lúc này là hơn 12h trưa, vì còn no chả mực nên em không ăn trưa gì cả.

venbien.jpg

Đường ven biển Hạ Long (bên trái ảnh là biển)

Kế hoạch tiếp theo là thăm vịnh Hạ Long. Em mua vé trong Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long từ các nhân viên nhà tàu (gọi vui là “cò”). Giá vé gồm: 125k tiền tham quan Vịnh + 40k tiền bến bãi cảng + 150k tiền tàu = 315k/vé. Thời điểm các bác đọc bài này thì Quảng Ninh đã tăng lại tiền tham quan từ 125k lên thành 250k rồi, tức các bác phải trả 440k/vé đấy.

cangtau.jpg

Các bác cứ vào trong này để mua vé đi tham quan vịnh nhé (ra cảng đảo Tuần Châu thì xa lắm)

muave.jpg

Em mua vé từ hai chị áo hồng, áo xanh này. Họ là người nhà tàu, đứng ra mua hộ trọn combo (vịnh – cảng – tàu) cho khách. Các bác yên tâm về dịch vụ.

khachtau.jpg

Khách cùng chuyến tàu thăm vịnh với em.

Tuyến tham quan rẻ nhất này kéo dài nửa ngày, kiểu sáng đi thì trưa về, đầu chiều đi thì cuối chiều về. Mới nghe thì tưởng được lâu nhưng tính ra chỉ khoảng 1 tiếng tham quan. Còn lại hơn 2 tiếng là thời gian tàu chạy khứ hồi đi/về vì lõi vịnh cách bờ rất xa.

Các điểm than quan của tuyến này: hòn Trống Mái, hòn Chó Đá, Ba Hang (nếu đi thuyền nan thì mất thêm 40k), động Thiên Cung.

trongmai.jpg

Hòn Gà Chọi hoặc hòn Trống Mái (trống bên trái, mái bên phải) do mưa bão đã đổ mất phần mào bên trên.

bahang.jpg

Điểm dừng đầu tiên của tàu là Ba Hang, tại đây khách có thể xuống tàu để lên thuyền nan đi chơi một đoạn chừng 30 phút, giá 40k mỗi người trả thêm.

20220630_153649.jpg

Vịnh Hạ Long rất đẹp.

20220630_155935.jpg

Bên trong động Thiên Cung, điếm tham quan cuối cùng của tour tuyến số 1.

Em giải nghĩa tên địa danh Hạ Long: Hạ là xuống, long là rồng. Nơi rồng đáp xuống là Hạ Long. Đây là cách giải thích về mặt truyền thuyết, tâm linh. Ngoài ra còn có cách giải thích rằng vùng biển này hàng trăm năm trước người Hoa giong thuyền buồm đến buôn bán tấp nập. Khi dừng đỗ, neo thuyền, họ giục nhau là “Xa lủng”. Các cụ nhà ta nghe phát âm rồi phiên chữ Nôm, chữ Hán-Việt đọc thành Hạ Long.

Cuối chiều tham quan xong vịnh Hạ Long thì em chạy ra bãi tắm Bãi Cháy. Phải nói là tỉnh Quảng Ninh họ đầu tư tốt, trải toàn bộ cát trắng, trồng hàng nghìn cây dừa để tạo cảnh quan cho du khách.

Xong xuôi tất cả thì em tạm biệt Quảng Ninh, bắt đầu hành trình đi tiếp về phương Nam. Thành phố tiếp theo sẽ là Hải Phòng.

À quên, còn giải nghĩa tên địa danh Quảng Ninh nữa: Quảng là rộng. Ninh là yên ổn. Một vùng đất rộng yên ổn là Quảng Ninh. Hai từ Quảng và Ninh thì là từ Hán Việt có từ xa xưa. Còn gợi ý ghép 2 từ này lại với nhau thì là do Bác Hồ đưa ra năm 1963.

Đọc tiếp: [e34 xuyên Việt] Ngày 5: Cát Hải quê nhà tiểu thư e34