Bạn Vân Anh có bài chia sẻ kinh nghiệm đi phượt 24h ở Manila, kể lại việc bạn bị soi quá lâu ở khu nhập cảnh, cũng như cách bắt taxi giá rẻ nhất từ sân bay về trung tâm thành phố.

24h ở Manila, part 1: Đổi tiền và cách bắt taxi giá rẻ

1. Thông tin chung

Manila là thủ đô và cửa ngõ của đất nước nghìn đảo Phillipines (có tới hơn 7.000 đảo). Đô thị này nổi tiếng với nhiều trung tâm mua sắm hiện đại như SM Megamall, SM Mall of Asia… và Manila cũng là nơi mang vẻ đẹp cổ kính nếu du khách lạc bước vào Intramuros.

Các sản phẩm từ dừa và xoài là những thức quà nổi tiếng mua về khi du lịch ở Phillipines.

2. Ở sân bay

a. Lưu ý khi nhập cảnh

Từ Việt Nam có thể bay sang Manila bằng nhiều hãng hàng không, nhưng quen thuộc nhất với các tay chuyên săn vé giá rẻ là Cebu Pacific. Mình may mắn book được vé giá rẻ khứ hồi chặng Hà Nội – Manila chỉ tầm 130$.

Ngoài việc phải mang hộ chiếu còn hạn ít nhất 6 tháng, mình lưu ý các bạn nên mang cả chứng minh nhân dân (ID card), phòng trường hợp cán bộ an ninh yêu cầu xuất trình để đối chiếu.

Các bạn nữ nếu đi du lịch bụi một mình không nên ăn mặc “hở hang”, dễ gây hiểu lầm các bạn sang đây “hành nghề”, họ sẽ làm khó và không cho nhập cảnh.

24h ở Manila Đổi tiền và cách bắt taxi giá rẻ

Mình và chị đằng sau ăn mặc có “hở” chỗ nào đâu mà phải đợi rất lâu mới được nhập cảnh

b. Đổi tiền ở sân bay

Bạn nên mang USD (tiền chẵn) để đổi ở sân bay là lợi nhất. Ở sân bay có rất nhiều counter để bạn khảo giá. Tỷ giá hôm mình đổi là 100 USD=4.660 Peso, trong khi đó nếu mang 2.300.000 VND đổi thì chỉ được nhiều nhất là 3450 peso (100.000 VND=150 peso).

Ngoài ra, nếu bạn nào hay đi du lịch bụi ở các nước Đông Nam Á và có tiền của Sing, Malaysia hay Indonesia đều có thể đổi dễ dàng, và chắc chắn là lợi hơn đổi từ VND.

c. Ăn uống ở sân bay

Do đáp chuyến bay đêm và đến nơi bị ách lại ở quầy thủ tục nhập cảnh khá lâu. Lý do: chị an ninh yêu cầu mình xuất trình ID card để đối chiếu vì chị ấy nói “đã từng có một người mang hộ chiếu của mày nhập cảnh vào Phillipines rồi”.

Méo, lúc đấy chỉ muốn khóc vì cái tội đánh mất hộ chiếu, CMND và nhiều thứ khác liên quan tới thông tin cá nhân hồi tháng 3.

May quá cuối cùng cũng được nhập cảnh, nên tới lúc đổi xong tiền thì mình không thể lết thêm được nữa. Quyết định lên tầng 2 (Departure) vừa ăn sáng, vừa rình bắt taxi về trung tâm.

Các quán đồ ăn nhanh trên tầng Departure mở hàng khá sớm. Mình chọn Jollibee và ăn sáng ngon lành. Combo cho kẻ solo giá chỉ 87 peso mà no nê, hạnh phúc hẳn!

d. Cách đi taxi từ sân bay về trung tâm

Hồi trước thầy giáo đại học của mình có đi công tác bên Phil về kêu quá trời mấy hãng taxi đón ở sân bay chặt chém rất dã man. Từ sân bay về khách sạn chỗ thầy chỉ khoảng 6.5km mà thầy bị tính giá 1.000 peso. Các bạn Nhật Hàn thì còn phải trả những 3.600 peso cho chuyến taxi ngắn ngủi này.

Nói chung là kiểu taxi nói thách rồi lên xe còn phải mặc cả (như cô giáo mình từng kể là cô leo lên xe và nói tên khách sạn rồi ra giá 300 peso) là đứa ưa bụi bặm như mình không thích rồi.

Kinh nghiệm từ vài lần đi du lịch bụi của mình cho thấy là cứ ra khỏi sảnh Arrival, rồi ngược lên Departure xem có gì hay ho. Vừa ăn sáng (như ban nãy mình kể) vừa xem xét dân tình đi lại tới đây bằng phương tiện gì, có bus hay train hay LRT, MRT nào tới sân bay không.

Và đúng như mình đoán, bên ngoài sảnh Departure có cả 1 dãy dài taxi meter đón khách. Giá mở cửa là 30 peso (nhưng đồng hồ vẫn hiển thị giá 40 peso, cuối hành trình tài xế sẽ trừ đi 10 peso này cho bạn). Ngoài ra, phí đưa/ đón ở sân bay là 20 peso. Thế là đi từ sân bay về chỗ nghỉ ở đường Burgos, khu Makati hết có 170 peso thôi. Sướng!

Ngoài ra, cách đi về bằng LRT, MRT thì rẻ hơn. Ví dụ như bạn ở khu Makati thì chỉ cần bắt taxi ra tới Baclaran (South Terminal). Từ đó bạn đi line 1 tới EDSA đổi sang MRT đi từ Taft tới Guadalupe rồi đi tiếp về bằng xe Jeepney. Nếu chọn ở City of Manila thì cũng về South Terminal rồi đi LRT line 1 về nhé.

3. Trung tâm Manila

a. Ở Manila nên ở khu nào

Thủ đô Manila có rất nhiều khu: Pasay City, Makati, Mandaluyong, San Juan, Quezon, City of Manila (Maynila)… nhưng theo mình thì nên ở khu Makati hoặc khu City of Manila (Maynila) cho tiện đường tham quan và đi chơi.

b. Các phương tiện công cộng ở Manila

– Taxi: Taxi ở Manila mình cũng không rõ là thuộc hãng nào, vì thấy đa phần là màu trắng còn người dân thì cũng không quen kiểu gọi taxi bằng việc gọi điện thoại tới một tổng đài như dân mình. Họ cứ xuống đường gặp xe nào là vẫy, và tất nhiên khách du lịch cũng vậy, thêm khoản nhớ yêu cầu bật đồng hồ.

24h ở Manila, part 1: Đổi tiền và cách bắt taxi giá rẻ

Giá mở cửa là 30 peso (đồng hồ sẽ hiển thị 40 peso và cuối hành trình khách được tài xế tự động bớt cho 10 peso, nếu tài xế không nhớ bớt thì nhắc anh ta nhé).

– Jeepney: Đặc sản du lịch Manila chính là những chiếc Jeepney có cái đầu xe khá hầm hố và thân xe thì sặc sỡ màu sắc. Kiểu xe này giống xe tuk-tuk hoặc xe lam thôi, dọc hành trình chạy của chuyến xe bạn lên đoạn nào cũng được, xuống ở đâu cũng được vì không có bến đỗ. Mỗi lần lên xe là 8 peso.

24h ở Manila, part 1: Đổi tiền và cách bắt taxi giá rẻ

Xe Jeepney sặc sỡ sắc màu (Nguồn: Internet)

Xe Jeepney có ghi hành trình qua những đường nào ở thân xe, hoặc nếu không bạn cứ nhằm anh tài mà hỏi có qua chỗ này không.

– Tricycle: Đây là xe xích-lô trong các khu nho nhỏ, đi được khoảng 2-3 người. Giá tùy khoảng cách. Bác tài thì nói thách thôi rồi, cứ mặc cả tầm nửa giá. Ví như mình sau khi xuống ở Central Terminal và muốn tới Intramuros, các bác kêu 40 peso, mình mặc cả còn có 20 peso thôi.:D

24h ở Manila Đổi tiền và cách bắt taxi giá rẻ

Tricycle chạy ở trong khu Makati

– Xe bus nhanh (UV Express Service): Xe nhỏ, nhưng đi được nhiều nơi, cảm giác như đi taxi ấy. Giá dao động tùy khoảng cách từ 15 peso trở lên. Tuy nhiên, mình không có kinh nghiệm các tuyến xe này như thế nào, chỉ biết chơi ở Rizal Park xong thì bắt em UV này nói về Burgos. Giá 15 peso.

24h ở Manila, part 1: Đổi tiền và cách bắt taxi giá rẻ

Xe UV ở gần Rizal Park (mình khoanh đỏ trong hình)

Lúc lên xe thì gật gù buồn ngủ, tới khi tài xế hỏi mày ở đoạn nào thì cứ nhìn cái tháp cao trước mặt nghĩ về tới khu mình ở rồi nên nhảy ngay xuống để tự đi bộ về, đỡ tắc đường. Tới khi tỉnh ngủ mới nhận ra còn xa lắm mới về tới Burgos cơ. :v

– Hệ thống LRT, MRT: Ở Manila có 2 lines của hệ thống LRT và 1 line MRT. Hệ thống giao thông đường sắt hạng nhẹ LRT (Manila Light Rail Transit) là hệ thống đường sắt đô thị đầu tiên ở Đông Nam Á, có trước cả ở Sing nhé. Thế nên vì nó có trước nên nó không được như MRT ở Sing, cũng không sạch sẽ bằng, không có loa gọi tên từng ga mà khách phải nhìn biển báo nhà ga nào để xuống.

Cá nhân mình vẫn chưa phân biệt được LRT và MRT khác nhau ở đâu dù đã vài lần được tiếp cận văn minh tàu điện. 😀 Nghe tây đồn là tàu LRT thì ngắn hơn và chậm hơn MRT. Hỏi các bạn ở Phil thì các bạn ấy bảo LRT và MRT khác nhau ở tuyến đường và khác nhau ở công ty nào quản lý: LRT là của chính phủ Philippines, còn MRT là của một công ty tư nhân.

Đón đọc >> 24h ở Manila, part 2: Lòng vòng đi thăm thành cổ Intramuros

Bạn đã từng đi phượt, bụi và có tấm lòng chia sẻ?  Đừng ngại gửi bài viết tới email ask acòng baynhe.vn