Khi mà càng ngày càng có nhiều đường bay giá rẻ đến Nhật thì tớ đảm bảo đây là sẽ là 1 trong những điểm đến hàng đầu. Tớ khỏi giải thích tại sao luôn (vì ai cũng biết tại sao).   

Bài viết này không nhằm mục đích cung cấp một guidelines/cẩm nang tổng quát về du lịch tự túc ở Nhật mà chỉ là chia sẻ quá trình/kinh nghiệm mà tớ đi, mong rằng các bạn sẽ thấy nó có ích.

Kinh nghiệm đi bụi Nhật

Nhật Bản là nơi tớ muốn đến nhất trong tất cả các nước, nên mặc dù đã đi bụi nhiều nước nhưng đến 2013 mới đặt chân được đến Nhật vì khó xin visa, và thật sự là nó tuyệt vời hơn tất cả những gì mình mong đợi. Đi một lần lại sẽ muốn đi lần nữa. Vì tình yêu với đất nước này nên tớ rất muốn chia sẻ kinh nghiệm đi tự túc Nhật Bản với các bạn nào quan tâm.

Có 3 cái myth (ai cũng nghĩ là nó như thế nhưng thực sự nó ko phải như thế) về du lịch Nhật:

  1. Xin visa tự túc đi Nhật cực khó, gần như là không thể: đúng cho thời gian trước tháng 7/2013. Vì sao sẽ nói trong Phần 1
  2. Du lịch Nhật siêu đắt đỏ: nếu biết cách thì tớ thấy giá chỉ hơn Sing khoảng 20%, và rẻ hơn châu Âu. Đặc biệt Nhật còn là 1 trong ít nước có nhiều chương trình ưu đãi đặc biệt cho người nước ngoài (chứ không như VN mình có giá đặc biệt cao cho du khách quốc tế L)
  3. Đi lại ở Nhật rất khó khăn vì bảng hiệu toàn tiếng Nhật và người dân ko nói tiếng Anh: các thành phố lớn và các địa điểm du lịch hầu hết đều có bảng song ngữ. Tàu điện ngầm và xe buýt cũng thế. Tớ không biết tí tiếng Nhật nào nhưng cũng đi được 4 chuyến rồi.

Bây giờ tớ bắt đầu nha:

PHẦN 1:  XIN VISA DU LỊCH NHẬT TỰ TÚC

Kinh nghiệm đi bụi Nhật - XIN VISA DU LỊCH NHẬT

Nào, tớ ghét đi tour, nên đã đi đâu là phải xin visa để tự đi. Trước đây đã nhiều lần tìm hiểu thủ tục xin visa Nhật nhưng bó tay vì điểm mấu chốt là họ đòi phải có người mời. Tớ và cũng như nhiều bạn khác chẳng quen ai ở Nhật thì làm sao nhờ được ai mời.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2013 thì Nhật có chính sách mới: cấp visa lưu trú ngắn hạn nhiều lần cho công dân VN. Lúc đó tớ làm theo diện này thì không cần thư mời. Đến 2016 thì lại còn đơn giản hơn nữa. Ở đây tớ chỉ tập trung vào diện đi du lịch tự túc thôi nhé:

Thông tin chính thức trên trang web của Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM:

http://www.hcmcgj.vn.emb-japan.go.jp/vn/visa/dulich_v.htm

  • Hộ chiếu
  • Đơn xin visa
  • Hình dán đơn (4x6cm, nền trắng)
  • Hồ sơ chứng minh khả năng chi trả chuyến đi:
    ・Giấy chứng nhận thu nhập của cơ quan có thẩm quyền
    ・Giấy chứng nhận số dư tài khoản ngân hàng
    ・Giấy tờ xác nhận việc làm, hợp đồng lao động v.v.
  • Lịch trình lưu trú (Ghi rõ các hoạt động dự định, nơi ở, nơi liên lạc) và các giấy tờ xác nhận lịch trình (Đặt chỗ khách sạn v.v.)

Lưu ý:

  • Trường hợp thiếu hồ sơ sẽ không được nhận hồ sơ xin visa
  • Thời gian xin visa từ 8:30 giờ đến 11:30 giờ mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu
  • Hồ sơ khi được nhận sẽ được cấp biên nhận hồ sơ.
  • Việc xét hồ sơ thông thường mất 5 ngày làm việc.
  • Tùy theo mục đích nhập cảnh và từng trường hợp có thể được yêu cầu bổ sung hồ sơ
  • Trường hợp cần thiết Bộ Ngoại Giao Nhật Bản phải điều tra hoặc Tổng lãnh sự quán Nhật Bản phỏng vấn đương sự xin visa thì thời gian xét visa sẽ lâu hơn 5 ngày làm việc. Đề nghị xin visa sớm để kịp thời gian
  • Ngoài trường hợp nhân đạo, các trường hợp xin cấp nhanh visa sẽ không được xét. Trường hợp khẩn cấp đề nghị liên lạc sớm
  • Đối với các hồ sơ cần trả lại bản gốc, vui lòng nộp kèm một bản copy.

Đi vào chi tiết từng thứ nhé:

  1. Giấy chứng nhận thu nhập của cơ quan có thẩm quyền:
  2. Hồ sơ chứng minh khả năng chi trả chuyến đi:
  3. Đơn xin cấp visa(có dán ảnh):  xem file mẫu Don xin visa đã điền đính kèm, điền bằng tiếng Anh, nhớ dán hình 4×6 và ký tên nha.
  4. Hộ chiếu: Nộp bản gốc
  5. Ra ngân hàng mình nhận lương xin sao kê tài khoản nhận lương trong 3 tháng gần nhất, có chữ ký và đóng dấu của ngân hàng. Nộp bản gốc. Chú ý là xin bản song ngữ Anh-Việt nhé.
    • Ai nhận lương bằng tiền mặt thì xin công ty cho 1 bản chứng nhận tiền lương payslip (phiếu lương) của 3 tháng gần nhất. Bản gốc.
  6. Giấy chứng nhận số dư tài khoản ngân hàng:
    • Sổ tiết kiệm (bản photo)
    • Xác nhận số dư của ngân hàng (xin ngân hàng cấp bản song ngữ, có ký tên đóng dấu của ngân hàng). Nộp bản gốc.
    • Tip: Về nguyên tắc bạn phải có khoảng 100 triệu trở lên mới đủ khả năng chi trả chuyến đi Nhật. Trường hợp bạn không có, hic hic, thì tớ biết có 2 ngân hàng làm dịch vụ chứng minh tài chính là Eximbank và ACB. Nôm na cách họ làm là thế này: bạn làm hồ sơ vay ngân hàng 100 triệu trong 1 tháng (đủ để xin visa rồi), lãi suất khoảng 10%/năm. Xong bạn cho ngân hàng vay lại khoản đó, lãi suất như tiết kiệm là 4%/năm. Rồi họ sẽ cấp cho bạn 1 cái Giấy xác nhận số dư chứng minh bạn có số tiền 100 triệu. Như vậy bạn không cần phải có 100 triệu thực, mà bạn chỉ phải trả phần lãi suất chênh lệch 10%-4%=6%/năm= 0.5%/tháng. Tính ra bạn chỉ phải trả vài trăm ngàn là có cái giấy xác nhận số dư cầm đi nộp xin visa
  7.  Giấy tờ xác nhận việc làm, hợp đồng lao động v.v.:
    • Hợp đồng lao động: bản photo, hợp đồng lao động phải có thời gian, chức vụ, mức lương
    • Giấy xác nhận việc làm của công ty hiện tại (xem file mẫu Xac nhan cong viec): nên làm bằng tiếng Anh, in trên giấy letterhead của công ty, nhờ sếp công ty đóng dấu xác nhận. Nộp bản gốc.
  8. Lịch trình lưu trú (Ghi rõ các hoạt động dự định, nơi ở, nơi liên lạc) và các giấy tờ xác nhận lịch trình (Đặt chỗ khách sạn v.v.):
    • Booking vé máy bay: đặt giữ chỗ trên trang Vietnamairlines.com theo lịch trình bạn muốn đi rồi in tờ đó ra (VNA có chức năng trả sau nên chỉ cần làm vậy để có tờ booking vé in ra, ko cần trả tiền)
    • Booking khách sạn: tớ chuyên dùng trang booking.com để đặt giữ chỗ không phải trả tiền, trên booking phải hiện ra tên người xin visa. In cái đó ra,
    • Lịch trình (itinerary): xem file mẫu Chi tiet hanh trinh. Hành trình phải cực kỳ khớp với booking khách sạn và các điểm du lịch nhé.

Lưu ý quan trọng:

  • Các giấy tờ không phải nộp luôn bản gốc thì nộp bản photo và mang theo bản gốc để họ đối chiếu. Nếu muốn chắc thì nộp bản photo có sao y ngoài phường luôn.
  • Nhật không đòi phải đi dịch thuật ra tiếng Anh và công chứng tư pháp.
  • Nên nộp hồ sơ xin visa trước khi đi khoảng 2 tháng vì có sớm thì mình sẽ mua vé sớm, dễ có vé rẻ hơn.
  • Thông thường họ sẽ cấp Visa du lịch single entry (nhập cảnh 1 lần) có thời hạn 3 tháng và bạn không được ở Nhật quá 15 ngày. Có nghĩa là bạn phải nhập cảnh vào Nhật trước ngày visa hết hạn. Ví dụ visa của bạn có hạn từ 21/6/2016 đến 20/9/2016 thì bạn có thể đến sân bay Nhật ngày 20/9 và ở đến 4/10/2016.
  • Nếu bạn đã đi Nhật ít nhất 2 lần trong 3 năm gần nhất thì lần thứ 3 có thể xin visa multiple entry (nhập cảnh nhiều lần). Tớ xin được loại này và có thời hạn trong 3 năm (trong 3 năm đó muốn đi Nhật lúc nào thì chỉ cần mua vé máy bay thôi). Nghe nói bây giờ sẽ được cấp đến 5 năm lận, hí hí.
  • Nếu bạn có lịch sử đi du lịch nhiều và đã đến các nước phát triển thì khả năng được cấp visa sẽ rất cao.
  • Nếu ở HCM thì nộp hồ sơ ở Lãnh sự quán Nhật ( 261 Điện Biên Phủ, Quận 3) vào các buổi sáng trong tuần, trước 11h30. Sau khi nộp họ sẽ cho 1 cái giấy hẹn.
  • Thời gian xét hồ sơ là 5 ngày làm việc. Nếu có trục trặc họ sẽ gọi điện thông báo kêu nộp bổ sung. Nếu đến ngày hẹn mà ko báo gì thì coi như là được cấp. Chú ý là chỉ được lấy visa vào buổi chiều thôi.
  • Nếu không được cấp thì họ sẽ gọi bạn lên nhận passport về. Còn các giấy tờ khác sẽ không được trả lại.
  • Lệ phí visa: khoảng 650 ngàn/visa single. Được cái là nếu có visa mới phải đóng tiền, còn ko có visa thì khỏi mất đồng nào. Bạn Nhật là nhân đạo nhất, mình yêu bạn nhất (^ ^)
  • Có khả năng các bạn ở miền Bắc khi xin ở Đại sứ quán Nhật ở Hà Nội sẽ khó hơn. Tớ có người bạn đến nộp hồ sơ thì họ lại đòi phải có thư mời, trong khi thông tin trên web thì lại không bắt buộc có giấy này.

 

Bài viết bởi June.

june-travels-logo-1b-m

Đọc thêm các phần khác:

Kinh nghiệm đi bụi Nhật (P.2) Vé và chi phí

Kinh nghiệm đi bụi Nhật – Phần 3A – KOBE