Vét sạch túi và tìm đủ mọi cách vay mượn để nộp phạt 10 triệu đồng vì mở cửa thoát hiểm máy bay Vietnam Arlines… cho mát, ông Trần Văn Bình, 39 tuổi, phải ngậm ngùi trả lại vé máy bay, dù mất phí 10%, chuyển sang đi tàu hỏa vì hết tiền.

Tin này của báo Người Lao Động, Bụi thấy rất hay, có tính nhắc nhớ đến những hành khách đi máy bay nên xin đăng lại trên blog. Bà con đọc kỹ và nhớ nhắc người thân, bạn bè nhé. Nguyên văn tin như sau:

Ông Trần Văn Bình (39 tuổi, quê Thái Bình, trú tại huyện Krongpa, Gia Lai) đã bị nhà chức trách hàng không ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng về hành vi tự ý mở cửa thoát hiểm máy bay. Đây là mức phạt thấp nhất trong khung xử phạt cho hành vi này.

Trước đó, trên chuyến bay VN1615 của Hãng hàng không Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Pleiku cuối giờ chiều ngày 14-4, hành khách Trần Văn Bình có ghế ngồi 1D cảm thấy nóng bức khó chịu. Lúc này, cơ trưởng đã nhận được lệnh cất cánh, cho nổ máy để chuẩn bị di chuyển ra đường băng. Sẵn có ghế ngồi gần cửa thoát hiểm, ông Bình đứng lên mở cửa phía bên phải máy bay với ý nghĩ rằng như thế sẽ khiến cho trên máy bay… mát hơn.

Cũng may cửa thoát hiểm khá nặng (khoảng 15 kg), cần các thao tác mở, nâng, đẩy mới bật ra được nên ông Bình vừa hì hục mở cửa, tiếp viên đã phát hiện, kịp thời ngăn chặn nên cửa vừa mới bị xì khí, chưa làm bung phao trượt.

cửa thoát hiểm máy bay

Tuyệt đối không mở cửa thoát hiểm máy bay – trừ khi có yêu cầu của tiếp viên trong tình huống khẩn cấp

Cơ trưởng Paul Henry thông báo sự việc với Trung tâm điều hành khai thác của hãng tại sân bay, sau đó lập biên bản đối với hành khách vi phạm, chuyển Cảng vụ Hàng không Miền Bắc xử lý. Chuyến bay bị chậm 1 giờ 15 phút so với lịch khởi hành ban đầu vì phải thực hiện đồng bộ hành lý (dỡ hành lý của ông Bình) và kiểm tra kỹ thuật máy bay.

Tại văn phòng Cảng vụ Hàng không Miền Bắc, các cán bộ xử lý vụ việc tỏ ra ái ngại cho hành khách Trần Văn Bình vì hoàn cảnh nghèo khó. Hành khách này sinh năm 1975, làm nông, quê ở Thái Bình nhưng vào huyện Krongpa, tỉnh Gia Lai theo diện làm kinh tế mới để thoát nghèo. Sau chuyến về thăm quê, ông Bình mua được loại vé thấp để sớm bay vào Pleiku.

Ông Bình tự viết trong Bản tường trình: “Tôi vô tình và không hiểu biết nên đã làm cho cửa máy bay mở ra” và thành khẩn “Kính mong các cơ quan xem xét, thứ lỗi cho sự việc đáng tiếc đã xảy ra”.

Biết mình bị phạt 10 triệu đồng (mức thấp nhất của khung phạt tiền đối với hành vi mở cửa thoát hiểm máy bay, từ 10 – 20 triệu đồng), ông Trần Văn Bình thẫn thờ, vét sạch tiền trong túi và tìm đủ mọi cách vay mượn thêm mới đủ nộp phạt. Nộp phạt xong, ông Bình không dám bay nữa, trả lại vé máy bay (dù mất 10% phí theo quy định hoàn vé) để đi tàu hỏa cho tiết kiệm.

Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết đây là một trong những trường hợp rất đáng tiếc, khách vi phạm mở cửa thoát hiểm máy bay vì thiếu hiểu biết và không có đủ tiền nộp phạt. Nộp phạt xong rồi còn mang gánh nặng trả nợ. Có hành khách lên máy bay, trong túi chỉ có 200.000 đồng nhưng lại không tuân thủ đúng hướng dẫn của tiếp viên, vẫn hút thuốc, mở cửa thoát hiểm xé áo phao…để rồi đối mặt với khung phạt tiền cao nhất đến 20 triệu đồng.

Tất cả các trường hợp trên, cán bộ xử lý đều xét yếu tố vô tình vi phạm, thành khẩn nhận lỗi để áp dụng mức phạt ở khung thấp nhất nhằm giảm gánh nặng tài chính mà vẫn đủ tính răn đe đối với hành khách.

Tác giả: Tô Hà (Báo Người Lao Động). Link bài viết trên báo: Xem tại đây

Lê Hiếu cập nhật thêm thông tin từ báo Giao Thông Vận Tải

Không ai trong số họ biết, chỉ cần kéo chốt hãm, cửa thoát hiểm bung mở là hàng chục nghìn đô la phải được chi ra để kiểm tra lại kỹ thuật, gập lại máng trượt cứu sinh… Thậm chí, tàu bay phải nằm lại sân bay cả ngày trời sửa chữa rồi mới được cất cánh.

Nhưng điều khiến các cán bộ Cảng vụ Hàng không miền Bắc hôm ấy thấy thật sự băn khoăn đó là gia cảnh của người vi phạm. Biết hoàn cảnh anh Bình khó khăn, trình độ hạn chế, phải từ Thái Bình vào Buôn Ma Thuột làm kinh tế mới, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã áp mức phạt thấp nhất là 10 triệu đồng trong khung phạt tiền hành vi mở cửa thoát hiểm tàu bay trái phép từ 10 – 20 triệu.

Nhưng số tiền ấy vẫn khiến vị khách tái mặt. Lỗi thì anh nhận rồi, mà tiền phạt nặng quá, anh Bình bần thần cả người. Việc đầu tiên anh làm là vội vã đi trả vé máy bay để đổi sang đi tàu hỏa. Chấp nhận bị trừ 10% tiền hoàn vé, nhưng đi tàu hoả rẻ hơn, bớt được đồng nào hay đồng ấy. Sau là dốc hết túi, vay mượn người quen mới đủ tiền nộp phạt hành chính.

Một cán bộ cảng vụ tâm sự, với những hành khách đi máy bay lần đầu, không chú ý nghe tiếp viên hướng dẫn. Họ thường vi phạm những lỗi như mở cửa thoát hiểm tàu bay khi chưa được sự đồng ý của tiếp viên hoặc hút thuốc lá trong nhà vệ sinh. Khi bị lập biên bản, đa số họ thừa nhận ngay hành vi của mình, không đôi co, chối tội. Nhưng khi đối diện mức phạt thì họ đều ngỡ ngàng. Không ai nghĩ hút một điếu thuốc phải nộp phạt 5 triệu đồng, nghịch ngợm tò mò mở cửa hoặc làm hỏng các thiết bị tàu bay bị phạt hàng chục triệu. Cái giá phải trả là quá đắt với những người lao động chân tay hay làm ruộng.

Có lúc tôi nghĩ, giá các hãng hàng không in trực tiếp mức phạt một số vi phạm phổ biến hiện nay lên trên vé máy bay điện tử, chắc chắn tác dụng cảnh báo sẽ tốt hơn. Sẽ có nhiều người không phải trả tiền oan cho những hành vi thiếu hiểu biết của mình, một cán bộ hàng không tâm sự.

Tác giả: Nam Anh (Báo Giao Thông Vận Tải). Link bài viết trên báo xem tại đây

Có bạn nào từng đi máy bay và ngồi cạnh cửa thoát hiểm chưa? Bạn có thấy mình táy máy muốn mở cảnh cửa này không? Có tiếp viên nào nhắc nhở bạn về việc mở hay không mở cánh cửa này? Và theo bạn, mức phạt áp dụng cho trường hợp này là hợp lý chưa? Xin mời các bạn chém gió nhé!