Kỳ Cang tiếp tục chia sẻ phần 2 của loạt bài nhật ký đi Thái Lan nhân dịp tết té nước 2015. Phần này nói về kinh nghiệm đi xe bus ở Bangkok và cách đi xe khách tới thành phố Chiang Mai.

1. Từ Tân Sơn Nhất vào trung tâm thủ đô Bangkok

Có lẽ ngày 11-4 là ngày thứ bảy cuối tuần và lễ hội Té nước bắt đầu từ ngày 13-4 nên mọi người đi Thái khá nhiều, máy bay gần như kín hết các chỗ.

Đến sân bay Suvarnabhumi, bọn mình phải xếp hàng dài để chờ làm thủ tục nhập cảnh. Nhân viên an ninh có vẻ thân thiện hơn nhiều so với Việt Nam. Bọn mình bắt đầu đi ăn tại quán Magic Food theo sự chỉ dẫn của anh Bụi, nó nằm ở tầng trệt của sân bay.

Nhìn chung với giá du lịch thì tạm ổn, chứ không phải món nào cũng rẻ. Ví dụ: ổ bánh mì ở quầy bánh mì ngay cửa vào Magic Food, từ ngoài cửa nhìn vào nó nằm bên tay phải, bán 1 ổ giá 50bath ≈ 33.600 đồng. Quá mắc! Nhưng cũng có vài thứ dễ chịu như: nước suối 10bath ≈ 6.720 đồng. Coca 15 bath ≈ 10.080 đồng, rẻ hơn với chợ đêm Chiang Mai, 20bath/lon.

Các món khác dao động ở khoảng 40 – 50 bath, cũng có món 90 bath. Nói chung tạm ổn, vì một phần ăn cũng không nhiều lắm. Ở quán Magic Food, lúc nào cũng đông đúc. Tây và Trung Quốc là nhiều nhất, đi đến đâu cũng gặp.

Sau khi no nê, bọn mình xuống tầng hầm (hình như là tầng cuối cùng) mua vé Airport Rail Link loại City line để vào trung tâm, dừng tại trạm Makkasan – 35bath/vé. City line là tàu dừng nhiều trạm, và rẻ hơn tàu Express. Mọi người nên đi loại này để tiết kiệm, không cần gì phải vội vã.

Nếu các bạn không biết cách mua vé tự động, có thể đến quầy vé mua trực tiếp từ nhân viên. Tại mỗi trạm BTS, MRT hay ARL đều có quầy bán vé nhân viên ngồi trực.

Sau khi mua vé, bạn sẽ nhận được 1 cái thẻ nhựa hình tròn, cách đi thì các bạn tham khảo lại bài viết của anh Bụi.

Khi đến ga Makkasan, mình đổi sang tàu điện ngầm MRT để đi tiếp đến ga Hua Lamphong. Cách mua vé đơn giản nhất cũng là đến quầy, nói nơi cần đến để nhân viên sẽ bán vé cho bạn. Từ Makkasan (tên khác là ga Phetchaburi) đến ga Hua Lamphong tốn 30 bath.

2. Tham quan chùa Vàng – Wat Traimit.

Bước ra khỏi nhà ga Hua Lamphong, bạn sẽ nghe rất nhiều lời mời chào từ lái xe tuk tuk. Nếu không muốn lằng nhằng thì bạn cứ im lặng mà đi tiếp hoặc No, thanks. Cứ thế mà đi!

Từ ga Hua Lamphong đến chùa Vàng – Wat Traimit rất gần, chỉ khoảng 10 phút mà thôi, nên các bạn cứ đi bộ, đừng taxi hay tuk tuk, không khéo lại tốn nhiều tiền vì bị dụ chở đi vòng vòng…

Lên chùa Wat Traimit thì không phải mất vé, bạn cứ thể thẳng tiến mặc dù ở dưới chân cầu thang có biển ghi Mua vé. Lý do: thăm tượng Phật Vàng miễn phí, chỉ những ai thích tham quan thêm bảo tàng bên hông chùa thì mới phải mua vé.

3. Điểm đến tiếp theo Chùa Phật Nằm – Wat Pho

Từ cổng chùa Wat Traimit, đi bộ chút xíu đến đường Yaowarat, cổng khu China Town, các bạn bắt xe bus số 25, giá 7 bath/người, 2 người là 13bath. Xe chở đến ngay Wat Pho, rất tiết kiệm. Đoạn đường đi Wat Pho khá xa, đi bộ không nổi, đi tuk tuk với taxi thì tốn kém… Nên xe bus là lựa chọn tốt nhất.

Khi mình lớ ngớ, không biết đường Yaowarat nằm ở đâu, liền có 1 cô đến và hỏi: “Bạn có cần giúp gì không”, vừa nói vừa cười, làm mình rất vui trước sự thân thiện của người Thái.

Hình Vé Xe Bus

Vé vào cổng chùa Wat Pho là 100bath, được miễn phí 1 chai nước suối lạnh nhỏ và được đi toilet có máy lạnh, haha!

Ở cổng chùa có thu phí, thường có hai lối, 1 lối miễn phí dành cho người Thái, 1 lối thu phí dành cho người nước ngoài. Người Tây khó mà đi qua cổng dân Thái, nhưng người Việt thì có thể, vì cũng thuộc Châu Á hao hao nhau ☺ nhưng với ba lô lỉnh khỉnh thì qua cổng dành cho dân Thái cũng hơi xấu hổ và khó, nên chúng mình mua vé, coi như tiền vé đó dùng để góp phần công đức cho chùa.

Hình Wat Pho

Chùa Wat Pho khá rộng, vòng vòng sau chùa có những ngôi mộ xây kiểu Thái rất lạ, có dạng hình tháp và các pho tượng Phật, hình như do người dân cúng dường.

Ngoài ra, đối diện cổng vào Wat Pho, các bạn sẽ thấy 1 bức tường trắng thiệt dài, đó là Hoàng cung Grand Palace, nhưng vì không có thời gian và nghe nói phí thì mắc, hình như 500bath, nên bọn mình bỏ qua.

4. Đi đò qua sông thăm Chùa Bình Minh – Wat Arun

Ra khỏi cổng chùa Wat Pho, hai đứa đi thẳng đến bến tàu số 8 Tha Tien rồi đi đò 3 bath/chiều/người qua đến bờ bên kia để tham quan Wat Arun – Chùa Bình Minh. Bến đò ở đây có đề phí rõ ràng là 3 bath, nên các bạn yên tâm, không sợ bị chặt chém.

Đò sang sông chỉ 5 phút là cập bến, và chùa Wat Arun nằm ngay cạnh bến đò. Hình như do chùa đang trùng tu nên không có thu phí thì phải (bình thường là 50 bath theo như lời chia sẻ của các bạn khác). Bọn mình làm vài tấm hình vì chùa đang tu sửa không trèo lên được.

Hình Wat Arun

5. Cách đi đến bến xe Bangkok Bus Terminal

Thăm xong Wat Arun thì bọn mình đi đò quay lại bến tàu số 8 Tha Tien. Ra khỏi bến tàu, bạn sẽ thấy các quầy bán thức ăn vặt, 10 đến 20 bath/1 cây, ăn cũng được, vui miệng ☺. Sau đó quẹo trái, đi thẳng đến trạm xe buýt gần nhất để tới đến bến xe Mochit 2 (hay còn gọi Bangkok Bus Terminal).

Từ trạm xe bus, các bạn đón xe bus số 44 để đi đến ga BTS Mochit, giá 17bath/người, xe có máy lạnh.

Đến trạm tàu điện BTS Mochit, gần đấy cái chợ Chatuchak bán rất nhiều đồ ăn, hai đứa vào ăn cơm cho no lấy sức đi Chiang Mai.

Cơm ở Thái có món nước chấm như sốt chua chua ngọt ngọt cũng ngon. Đặc biệt ở đây có các rổ: cải chua, dưa leo, đậu đũa, ăn với cơm, múc bao nhiêu cũng được, nhưng các bạn ăn nhiêu múc bấy nhiêu, đừng múc nhiều, rồi bỏ, vừa tội, vừa mang hình ảnh xấu nữa. Lần đầu ăn đậu đũa sống với cơm, thấy ngon ngon là lạ. Khi hỏi giá, cô bán hàng nói 50bath/dĩa, tự nhiên ăn xong, tính tiền có 35bath/dĩa, 2 dĩa 70bath, không hiểu tại sao giá lại vậy???

Ăn xong, mình mua hai chai nước căm vắt nguyên chất, 1 chai/20bath, tính ra rẻ đó chứ, uống cho đã. Loại cam mà họ bán là cam loại nhỏ, cỡ như trái quýt, múi nhỏ nhỏ, không biết có phải của Trung Quốc không nhưng mà uống cũng thích.

Sau đó từ chợ quay lại trạm tàu điện BTS Mochit đón xe đi tiếp đến bến xe Mochit 2/Bangkok Bus Terminal. Có rất nhiều tuyến xe bus từ trạm BTS Mochit đến bến xe Bangkok Bus Termial như số 3, 145, 28, 104… Bọn mình đi xe số 3 và tốn 7bath/người. Hai người là 13bath.

Đến nơi, xuống xe bus, mình giật mình. Trời ơi, cái bến xe Bangkok đây hả? Ghê quá, toàn là các sạp xụp xệ, rao la inh ỏi, bảng quảng cáo treo tùm lum, xéo lên, trật xuống, xe đâu thì không thấy, sao giống bán vé chợ trời, lừa đảo quá.

Mình vội hỏi một người Thái rằng, bến xe ở đâu, thì họ chỉ đi qua cây cầu vượt dành cho người đi bộ để qua bên kia đường. Nhìn theo hướng họ chỉ, mình mới thấy: kia mới là Bangkok Bus Terminal, có mấy cái chữ hộp đèn to quá chừng, màu đỏ, sáng chói, bến xe to rất to.

Đến bến xe, thấy quá trời người, vật vờ chờ đợi, thôi rồi… y như dự đoán của hai đứa vào tối hôm qua, khi đọc 1 bài báo nói về việc kẹt xe do người dân về quê ăn tết. Cũng như tết nguyên đán ở Việt Nam mình, tình trạng cháy vé, hết xe. Hức… lòng đầy lo âu căng thẳng, kế hoạch đã được lên hết rồi, đặt khách sạn rồi, giờ mà ở lại Bangkok, không chừng giá phòng rất mắc mà lại bỏ tiền phòng ở Pai và Chiang Mai nữa.

Lòng nghĩ vậy, nên mình cứ tìm hết quầy này đến quầy khác để hỏi vé đi Chiang Mai. Cũng may còn có 1 quầy bán, cả nhóm người đứng xếp hàng dài dằng dặc. Đứng một hồi cho đã mà thấy vẫn không bán vé, nên mình hỏi tại sao thì họ giải thích là do thiếu xe.

Hơn 2 tiếng đứng chờ thì quầy bên kia có vé, bọn mình chạy ào qua mua hai vé đi Chiang Mai, khởi hành lúc 23h58 phút, vỡ kế hoạch dự định đi lúc 20h. Thôi kệ, mừng quá rồi, vào phòng chờ xe thôi.

Vé đi Chiang Mai có 3 loại: 419 bath, 565 bath và vip nhất là 898 bath. Chỉ còn vé 419bath, nên chúng mình phải chịu thôi, có là mừng lắm rồi.

Kinh nghiệm dành cho các bạn là: nếu muốn di chuyển đến một tỉnh khác, xa Bangkok mà sử dụng bus đường dài thì nên tham khảo nhà xe nào đó đặt vé online được cho an tâm, khỏi gặp cảnh vật vã chờ đợi.

Ở Thái, không như Việt Nam, không có cảnh nhồi nhét, chen lấn trên xe. Họ quy định mỗi người 1 ghế, hết ghế thì thôi, không nhồi nhét, nên cảm thấy dù có lễ, tết thì đi xe cũng không mệt mỏi.

Và các quầy bán vé, người ta xếp hàng mua vé lịch sự, không chen lấn, dù nhiều người sốt ruột lắm, các quầy bán vé thì đều đồng giá nhau, không thấy hiện tượng giá vé chênh lệch giữa các hãng xe giống nhau và giá vé chợ trời rêu rao, cũng như việc đón thả khách không đúng nơi trên tuyến xe đường dài.

Hình Vé Xe Đi Chiang Mai

Nhìn trên vé các bạn sẽ thấy số 120, tức là số ô nơi xe buýt đỗ chờ khách lên xe. Bến xe của họ được phân từng ô đánh số từ 1, vòng xung quanh nhà chờ nhìn ra, để khách dễ dàng đến đúng xe mình đã mua vé.

Hình Xe Bus Chiang Mai

Ngoài xe bus đường dài ra, bạn có thể đi đến Chiang Mai bằng xe lửa, nếu đi xa, thì bạn nên đặt vé trước, giống như dân Việt mình, khi đặt vé xe lửa về quê. Trang web tham khảo: www.railway.co.th

Hoặc máy bay là phương tiện di chuyển nhanh nhất. Sân bay Chiang Mai là sân bay quốc tế rất lớn, vì Chiang Mai là thành phố lớn sau Bangkok. Vì là dịp lễ, muốn tiết kiệm nên bọn mình đi bus cho rẻ.

Ở Việt Nam, có thể đặt vé hãng AirAsia để đến Chiang Mai cho tiện, hãng nối chuyến ở Bangkok, chúng ta khỏi cần lo lắng việc hãng này delay thì có ảnh hưởng giờ bay của hãng sau không. Hoặc nếu vé riêng lẻ từng hãng mà tiết kiệm thì cũng nên cân nhắc: bay đến Bangkok và sau đó bay tiếp đến Chiang Mai. Nếu bay riêng lẻ như vậy, thì tốt nhất, nên ở Bangkok vui chơi 1 ngày, ngày sau bay đến Chiang Mai sẽ không sợ trường hợp delay chuyến này ảnh hướng đến chuyến khác.

Thái Lan có rất nhiều hãng hàng không như: Thai Airways International, Nok Air, Bangkok Airways, Thai Smile, Orient Thai Airlines… đều có chuyến bay từ Bangkok đến Chiang Mai.

Đón đọc: Nhật ký đi Thái của Kỳ Cang (P3)