Sau 6 tháng chờ đợi từ khi đặt được vé khuyến mại của Airasia, mình đã có 5 ngày loanh quanh Bangkok và đảo Koh Samed. Để tiện cho các bạn muốn du lịch bụi, mình xin chia sẻ một ít kinh nghiệm đi lại chủ yếu là phương tiện công cộng.

Chuẩn bị trước khi điTrước khi đi nên có lộ trình rõ ràng, đi những đâu, có thể đi bằng phương tiện gì. Mình kiểm tra trước qua trang này http://www.transitbangkok.com.

Sang đến Bangkok: (Các phương tiện mình đã sử dụng và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên của mình)

1. Từ sân bay Don Muang đến bến BTS gần nhất:

Ngay lối ra vào tại tầng 1 có chỗ đợi xe buýt A1 để ra bến BTS Mochit. Cứ 20 phút lại có một chuyến. Các bạn lên xe ngồi cho đến bến BTS Mochit thì xuống nhé khoảng 20 phút, giá vé cố định luôn là 30 baht, xe có điều hòa. Thú vị là từ lái xe đến phụ xe và cả nhân viên phục vụ ở sảnh sân bay đều là nữ. Dọc hai bên đường bến Mochit có hoa giống hoa anh đào mùa này nở rất đẹp.

A1 bus  Ngược xuôi Bangkok bằng phương tiện công cộng

2. Skytrain – Đường sắt trên không (BTS): 

Đây là phương tiện mình sử dụng nhiều nhất trong mấy ngày ở Bangkok. Hầu hết các trung tâm thương mại lớn như Siam Paragon, Siam Center, Central world, Chidlom, Terminal 21, Gateway, v.v… đều nằm 2 bên đường dọc theo tuyến BTS. Việc sử dụng BTS khá đơn giản mà Baynhe đã có bài viết chỉ dẫn rất cụ thể rồi. Tùy thuộc vào nhu cầu đi lại các bạn có thể mua vé theo chặng hoặc vé ngày.

Đối với vé theo chặng, tại mỗi bến đều có bảng hướng dẫn rõ ràng và giá vé cụ thể dựa trên số bến bạn đi. Các bạn cũng có thể xem trước giá vé và thời gian đi dự kiến tại đây (nếu đã có lộ trình). Dựa trên các bến mình đã đi thì Phaya Thai có máy bán vé chấp nhận tiền giấy còn lại là tiền xu loại 1, 5 và 10 baht (mình đổi tiền xu tại quầy dịch vụ).

Ngoài ra, để cho chắc chắn các bạn nên dừng lại xem bảng hướng dẫn (ra khỏi tàu, đi xuống tầng ngay giữa sảnh) xác định nên ra cửa nào, đi hướng nào. Đây là bảng chỉ dẫn tại ga Mochit, để đi chợ cuối tuần Chatuchak thì nên ra cửa số 1.

Mochit BTS Ngược xuôi Bangkok bằng phương tiện công cộng

(Bảng chỉ dẫn cũng có sẵn trên trang Bangkok.com cho cả 2 tuyến Sukhumvit và Silom)

Đối với vé ngày, các bạn cứ đi thẳng vào quầy và hỏi “one-day pass” là được. Giá vé cả ngày là 130 baht có giá trị đến 12 giờ đêm. Lưu ý giữ vé cho đến hết ngày kẻo rơi là mất tiền mua vé mới.

3. MRT – Tàu điện ngầm:

Mình đi MRT để qua Chinatown. Mình đi skytrain đến bến Asok thì đổi sang bến Sukhumvit của tàu điện ngầm. Việc chuyển tàu rất đơn giản vì có biển chỉ dẫn rất cụ thể tại ga tàu. Mình mất 27 baht để đến ga Hua Lam Phong sau đó đi bộ khoảng 5-10 phút ra Chinatown. Khu vực này hiện đang xây dựng nên mình nhờ người dân chỉ đường (mình nhớ là mình đi ra cổng chính của ga tàu (xem ảnh), đi qua công trường đang thi công về phía tay phải có chóp một ngôi chùa, khi đến một khách sạn khá to thì rẽ trái đi hết đường sẽ thấy cổng Chinatown rất to và đẹp).

MRT Ngược xuôi Bangkok bằng phương tiện công cộng

(bên trái từ trên xuống là các bước mua vé – lấy token, góc cuối bên phải token và chỗ kiểm tra để vào tàu)

4. Xe buýt: 

Mình thấy trong thành phố có 2 loại xe buýt là có điều hòa và không có điều hòa. Các bạn có thể kiểm tra trước các tuyến xe buýt nội thành tại đây. Phía dưới các trạm BTS đều có bến xe buýt nên rất thuận tiện để đi lại.

Mình đi xe 511 để ra bến xe phía Nam đi chợ nổi. Xe buýt đi rẻ hơn rất nhiều so với BTS với giá vé tối đa chuyến mình đi là 23 baht nhưng khá mất thời gian vì xe dừng nhiều bến và đường hay tắc đặc biệt vào giờ cao điểm. Xe 511 đi qua rất nhiều nơi nổi tiếng ở Bangkok như các trung tâm thương mại dọc tuyến BTS, Pratunam, Pantip, Wat Saket, Tượng đài Dân chủ (Democracy Monument), v.vv… Đặc điểm của xe buýt cũng giống như BTS là điều hòa bật hết công suất chênh lệch nhiệt độ khá cao so với ngoài đường. Mình có đùa là đi buýt và BTS như kiểu con gà lạc từ chảo dầu vào tủ cấp đông rồi lại được giã đông trong chớp mắt. Thế nên bạn nào yếu có thể mang theo áo cardigan mỏng mặc cho chắc.

Ngoài ra mình có đi xe đường dài như buýt số 78 đi chợ nổi Damnoen Saduak (mất khoảng 1h40’), xe buýt đi Rayong để ra đảo Koh Samed (4h). Các xe đều có điều hòa, riêng xe đi ra đảo có phát nước uống cho khách.

Floating market_Koh Samed Ngược xuôi Bangkok bằng phương tiện công cộng

(Chợ nổi Damnoen Saduak  – Đảo Koh Samed)

5. Tuk tuk/Xe ôm (Quanh khu vực Hoàng Cung và On Nut)

Mình đi tuk tuk từ Wat Pho đến Wat Saket, 2 người mất 80 baht cho khoảng 3km (theo google map). Theo mình biết thì chỉ nên trả 50 baht thôi nhưng khi mình mặc cả anh tài xế bảo giờ này (17h) tắc đường lắm phải chờ rất lâu. Và thực tế là đường rất đông và đèn đỏ là 3 con số chứ không phải 2 con số như ở mình.

Ngoài ra, ở khu mình đặt nhà nghỉ On Nut có đội ngũ xe ôm rất đông đảo, mặc đồng phục đàng hoàng (màu cam). Khu này có siêu thị Tesco Lotus khá to nên xe ôm chủ yếu là để chở khách mua đồ về nhà. Do mình đi 2 người và mua khá nhiều đồ nên khi gọi xe ôm họ từ chối nhưng lại cho mình đi một dạng xe tải nhỏ được lắp thêm ghế ngồi kiểu phản gỗ. Mình không phải mặc cả chỉ đưa địa chỉ và đến nơi họ nói bao nhiêu trả bấy nhiêu.

6. Tàu trên sông Chao Phraya

Ngược xuôi Bangkok bằng phương tiện công cộngĐể đi thăm khu “phố cổ” Hoàng Cung, Wat Pho, Wat Arun, mình dùng tàu trên sông. Mình đi BTS tuyến Silom, xuống bến Saphan Thaksin, ra bằng cửa số 2, xuống cầu thang sẽ thấy biển Sathon Pier. Theo tìm hiểu trước khi đi của mình thì có rất nhiều loại tàu quy định bằng màu cờ gắn trên tàu (cam, vàng, xanh lá, xanh biển) và một loại tàu trọn gói cả ngày là 150 baht. Tuy nhiên đến nơi thì mọi thứ đơn giản hơn nhiều, mình vào bến có bàn bán vé, đọc tên bến (cụ thể là N8: Tha Tien) mất 15 baht, mua một cốc kem dừa và đợi tàu đến (cờ màu cam).

Ngoài ra còn một loại gọi là taxi trên sông (klong boat) nhưng tiếc là mình chưa được đi thử, giá vé theo mình tìm hiểu thì  dưới 20 bath tùy chặng, và có thể đi từ Wat Saket (Golden Mount) đến Pratunam.

7. Taxi (Đi sân bay):

Do thiếu kinh nghiệm nên phải mất đến 30 phút mình mới gọi được taxi để ra khách sạn gần sân bay Don Muang vì mình bay chuyến sáng sớm. Bạn taxi đầu tiên nói mình 500 baht trọn gói không đồng hồ, mình từ chối và bảo cho xuống. Lằng nhằng một lúc thì bạn ấy bớt xuống 300 baht nhưng mình sẽ phải trả phí đường cao tốc 2 chặng nhưng thực tế chỉ có 1 chặng.

Mình hỏi lễ tân thì họ bảo chỉ 250 baht thôi kể cả là giờ cao điểm. Mình ra xách đồ xuống và phải chờ đến cái taxi thứ 3 mới mặc cả là tính tiền theo đồng hồ, phí cao tốc mình trả. Tổng cộng hết 240 baht. Kinh nghiệm rút ra là xe nào đồng ý tính theo đồng hồ thì đi không thì thôi. Lái xe bên đấy khá tốt nếu bạn không đi họ vẫn cười và giúp bạn mang đồ xuống.

Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm đi lại của mình  và “chiến lợi phẩm” từ chuyến đi mình còn giữ từ vé skytrain cho đến vé xe buýt, vé tham quan và bản đồ các loại.

BKK2014 Ngược xuôi Bangkok bằng phương tiện công cộng