Đã bao giờ bạn muốn đặt chân đến 1 đất nước láng giềng có nền kinh tế vững mạnh trong khu vực?

Đã bao giờ bạn muốn đến 1 nơi có sự pha trộn hài hòa văn hóa của Trung Quốc, Ấn Độ, Mã Lai, Âu? Hoặc 1 đất nước phủ đầy màu xanh, thưởng thức 1 nền ẩm thực đa dạng và phong phú? Bạn nghĩ đến nước nào? Phải chăng là Singapore, một trong những nước được mệnh danh là “Con Rồng Châu Á”?

  • Tác giả: Thuỳ Nga
  • Thời điểm chuyến đi: 31/8-3/9/2013
  • Hàng không: TigerAir
  • Khu vực ở: China Town (Phố Tàu)

Vé càng rẻ càng tốt

Có nhiều cách đến Singapore, chẳng hạn bay từ Malaysia, hoặc đi xe đường dài, dạng bus qua cửa khẩu, hoặc bạn bay thẳng đến đất nước này.  Bài viết này hướng dẫn cho bạn cách bay trực tiếp.

Nếu bạn muốn đến Singapore, điều đầu tiên cần làm dĩ nhiên là mua vé máy bay, vé rẻ càng tốt.

Hiện giờ các rất nhiều hãng hàng không bay từ Việt Nam đến Singapore, ví dụ như Tiger Air (trước đây có tên là Tiger Airways),  Jetstar, Vietnam Airlines, Lion Air, Singapore Airlines… Đối với các bạn du lịch bụi, quẩy ba lô như mình thì lựa chọn đầu tiên là 2 hãng Tiger Air và Jetstar. Trước đây, Tiger cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất và đáp xuống tại Budget Terminal – một ga riêng, chỉ có vài cửa hiệu nghèo nàn, quán xá cũng ít.

Hiện nay, hãng đáp tại Terminal 2 của sân bay quốc tế Changi. Phi trường này cứ như cái mê cung, cửa hiệu, hàng quán sầm uất, có khi bạn lang thang ở đây cả ngày còn chưa đi hết. Giữa các terminal nối với nhau bằng xe điện trên không miễn phí, nhiều khi mê mải quá có người từng xém trễ máy bay.

Thông tin trang web liên quan tất tần tật ở sân bay (tiếng Anh nhé): http://www.changiairport.com/

sân bay changi - Hành trình Singapore bụi: Tàu điện về China Town

Updated: Hiện giờ, sân bay Changi để rất nhiều trạm dùng internet, sạc điện, pin miễn phí, cả nước uống nữa, mọi người có thể ngủ cả ngày ở đây, nếu thích, lưu ý mang theo áo khoác kẻo bị lạnh.

Vé của hãng Tiger Air (nay đổi là Scoot) phổ biến nhất là mức giá cỡ 70~100 USD cho hai chiều, gọi là… rẻ tương đối. Nhiều khi có cả vé 0 đồng, tính thuế, phí vào khoảng vài chục USD, rẻ đến mức… thèm đi, thèm bay nếu có điều kiện. Kinh nghiệm là đặt chiều đi không cần hành lý ký gởi, chiều về mua 15-20kg để ai thích mua quà, mua đồ này nọ có chỗ gởi cho đỡ nặng tay. Mấy bạn nào hay mua dầu gió, nước hoa… thì chắc chắn nên mua hành lý lúc về, vì cái này họ không cho xách tay đâu đấy.

Updated: Hàng mua tại sân bay thì lúc mua bạn phải đưa boarding pass cho họ, sau khi xác nhận họ cho vào túi và chúng ta vô tư xách lên máy bay hoặc qua cửa kiểm soát vô tư nhé!

Ai đi bụi không cần quà cáp gì thì cứ ba lô rong ruổi như mình. Hiện giờ hãng cho 10kg xách tay, bạn có thể kéo 1 va ly nhỏ, quàng thêm túi xách hoặc ba lô, tròng thêm túi mini ngang người chứa ví tiền, passport, giấy tờ… là OK. Chú ý nhiều túi quá thì qua cửa hải quan bỏ ra bỏ vô mệt. Ai đi dạng gia đình thì chắc chắn cần mua hành lý rồi, tưởng tượng tay bế con, tay xách va ly cũng thấy… đuối! Tốt nhất là ký gởi.

Updated: Singapore thay đổi tờ khai nhập cảnh online, các bạn tham khảo ở đây nhé!

Thông thường nên mua vé máy bay trước 3~6 tháng, vì sau đó sẽ có thời gian chuẩn bị cho chuyến đi, tránh cận ngày quên này quên nọ. Giữ kỹ cái vé điện tử nha. Bài viết về đặt vé máy bay qua mạng, thanh toán như thế nào, cần mang theo những gì khi đi máy bay… mình không đề cập vì trên trang web của các hãng hoặc Baynhe.vn cũng ghi rõ rồi.

máy bay tiger air - Hành trình Singapore bụi: Tàu điện về China Town

Khách sạn giá rẻ ở China Town

Kế tiếp là khách sạn. Tùy theo bạn đi lần đầu hay lần kế tiếp, mục đích đi nghỉ ngơi hay đi mua sắm mà chọn khu vực khách sạn bạn sẽ ở.

Khi đặt phòng, hãy tìm trên agoda.com hoặc booking.com nhé, Agoda thì bắt thanh toán ngay, còn booking thì cho thanh toán sau, tùy bạn chọn. Nếu chắc chắn thì thanh toán luôn, còn không thì bên booking, cái nào cũng là dịch vụ, có tính phí dịch vụ hết, bạn nhớ đọc kỹ điều khoản để tránh mấy khoản phạt hay bù phí nhé! Đặt xong thì họ gởi cho mình email xác nhận đặt phòng khách sạn, bạn in ra giữ kỹ chờ ngày lên đường.

Đi 1 mình thì tự lo, đi nhiều mình thì cùng nhau lo, vậy nó mới vui. Mình mê… ăn uống nên hay chọn ở khu China Town, nơi đây kết hợp ăn uống, mua sắm, thắng cảnh rất tuyệt vời!

Khách sạn mình chọn là Backpacker Inn Chinatown nằm trên phố Mosque Street, 1 nơi dành cho dân mang ba lô đi lang thang nên phòng có diện tích vừa phải. Có phòng có 2 giường chia tầng như ký túc xá, có phòng vừa đẩy cửa ra là đụng cái giường. Nói chung, diện tích tiết kiệm triệt để, ở Sing vốn đất chật mà.

Updated: tác giả mới đi về, ở Pillows and Toast Herritage bên đường Upper Cross hostel,  cũng rất OK nha các bạn. Chỗ cũ bên đường Mosque người ta lên giá quá nên mấy cái hostel chuyển đi dần dần. Backpacker’Inn cũng có bên đường này luôn.

Bù lại, nước uống nóng lạnh miễn phí, tủ lạnh miễn phí, phòng tắm nam nữ chia riêng, (đông người thì cứ nhảy vào phòng nam tắm luôn không vấn đề nhé, tiết kiệm khối thời gian đó) À, bạn nào trước giờ quen ở nhà rộng rãi, qua đây sẽ thấy nhà mình lúc nào cũng là nhất. Tại sao như vậy, hãy thử đi Sing và ở dạng phòng dorm xem sao!

khách sạn Backpacker Inn Chinatown - Hành trình Singapore bụi

Khách sạn Backpacker inn Chinatown

Ăn uống thì từ khách sạn bước ra, đến đầu đường rẽ phải, đi vài bước là đến ngay đường Pagoda street, quẹo vào trung tâm Chinatown, có đầy hàng quán cho bạn chọn, các món tương đối ngon, nếu ăn kiểu Hoa. Hoặc trước khi rẽ nhìn đối diện bên kia đường có vài hàng quán ăn, quán nước đầy đủ.

Từ đường Mosque street đến Pagoda street, bạn sẽ đi ngang một ngôi nhà nguyện kiểu Hồi Giáo Islam nổi tiếng tại đây (nhớ bỏ giày dép ra khi vào)

Khi rẽ qua Pagoda street, điều đầu tiên bạn sẽ thấy là… bồ câu, chúng bay nhiều, từng đàn, sà xuống mặt đường tìm kiếm thức ăn, ngay đó là ngôi chùa kiểu Hindu giáo (xem hình 1 góc Chinatown ở trên)

Khi đến đây rồi bạn nhớ thử món cua sốt tiêu, cua sốt ớt có thể ăn tại đây nhé! Quán nằm ngay ngã 4 giữa phố, bán đến 1h sáng, tên là Chinatown Seafood. Quán cũng có bán bia dành cho thực khách, nếu thích bạn có thể thử Tiger Beer (sản xuất tại Sing) thay vì bia Singha. Chai bia cao, to, uống 2 người/chai chắc cũng không đến nỗi.

Đi từ sân bay Changi vào China Town

Hồi nãy do mê ăn uống mà quên cái vụ đi từ sân bay về khách sạn như thế nào.

Khi Tiger Air đáp xuống Changi Terminal 2, bạn sẽ phải đi bộ 1 quãng đường dài… sau khi rời máy bay vì sân bay rộng, cứ thẳng tiến mũi tên “Departure” dọc theo đó, có sẵn thang cuốn mà bạn bước vài bước là hơn hẳn người đang đi bộ, để tiết kiệm thời gian và đỡ mỏi chân.

Trên đường bạn sẽ thấy quầy bán sim điện thoại, nếu thích, bạn có thể mua 1 cái của Singtel hay M1 lắp vào điện thoại của mình.

Nếu bạn có hành lý ký gởi thì sau khi bạn làm thủ tục nhập cảnh mới đến chỗ hành lý nhé! Đừng mỏi mắt tìm kiếm hay lo âu hành lý tui đâu! Chuyến bay bạn số mấy thì trên bảng điện tử nó hiện ra hành lý bạn ở ô nào để đến đó lấy, nhanh chóng và an ninh.

Từ Changi Terminal 2 bước ra, nhìn về phía tay phải, bạn sẽ thấy bảng chỉ dẫn lối đi xuống tàu điện MRT về trung tâm, mình thích MRT nên ít khi đi bus, bạn muốn đi bus cứ an tâm vì bảng chỉ dẫn vô tư, nhìn rõ và đẹp. Ai không để ý thì cứ chạy đến chỗ nhân viên sân bay hỏi “How can I take a bus to ….”, họ chỉ ngay ấy mà. (Ak… bạn nào thấy sai chính tả nhớ chỉnh giùm hén)

Mình đi chơi Sing 2 lần rồi mà lúc nào cũng phải hỏi đấy, hỏi vì sợ… lạc, hỏi vì muốn… chắc chắn.

Để đến được MRT bạn xuống 1 cái thang cuốn, ở đây bạn sẽ thấy quầy bán vé tự động, bán thẻ MRT ngay dưới chân cầu thang. Trước khi xuống thang, bạn cứ tự nhiên lấy mấy cái thông tin Singapore, họ để miễn phí, bản đồ Sing, hệ thống MRT… lấy cái nào cần nhé!

Tại đây, bạn cần xếp hàng để mua thẻ, nên mua loại EZ-link, nó dùng cả được trên xe bus nhé! Rất tiện lợi, thẻ giá trị 12 SGD, 5 SGD là phí, 7 SGD nạp sẵn để bạn đi lại.

Bạn ở đây mấy ngày thì tính để nạp thêm (gọi là top up), ví dụ mình ở 3 ngày 2 đêm thì mình nạp thêm 10 SGD (tối thiểu 10 SGD/1 lần nạp), nhớ yêu cầu họ cho mình cái MRT map để tiện đi lại nhé. Nó là dạng gấp nhỏ, dễ bỏ vào túi. Sử dụng cái EZ-link này hình như có thời hạn 1 năm. Nếu năm sau bạn đi, thì vẫn đến quầy dịch vụ và xác nhận xem thử còn dùng được không nhé!

Sau khi mua xong, bạn nhìn theo hướng mọi người di chuyển như thế nào mình đi theo thế ấy, ví dụ, cầm và áp thẻ lên hình mũi tên màu xanh, khi cần gạt mở ra bạn bước vào, xuống cầu thang để đến khu vực chờ MRT.

Thông thường MRT chia 2 tuyến, 2 hướng (plafform A/B) nhưng từ sân bay thì chỉ có 1 hướng đi line màu xanh. Bạn lên tàu ngồi, đi 2 chặng đến trạm Tanah Merah thì tàu dừng, bạn đi ra khỏi tàu để chuyển sang tàu bên cạnh về thành phố (không mất tiền gì cả, chỉ đơn giản là chuyển tàu).

Để đến được Chinatown thì bạn chuyển sang tàu mới, yên vị từ trạm Tanah Merah đến trạm Outtram Park. Bạn tiếp tục chuyển tàu tại đây, lần này chuyển sẽ vất vả hơn chút vì trạm này rộng, bạn chịu khó tìm hoặc hỏi người dân tàu về Chinatown nhé (line tàu màu tím).

Sau khi tìm đúng tàu line tím rồi, đúng hướng về China Town rồi thì bạn lên tàu đó ngồi đúng 1 trạm là đến Chinatown. Mỗi lần đến trạm nào, giọng nói tự động trên tàu lặp lại tên trạm ấy, kèm ghi chú nếu bạn muốn chuyển qua line nào, tuyến nào thì cần thức dậy để xuống tàu. Khi xuống, bạn theo dòng người đi thang cuốn leo lên, lại áp cái EZ-link vào, nó tự động trừ tiền hành trình bạn đi. Khi bạn áp vào, bạn sẽ thấy nó tự hiện lên thẻ bạn còn bao nhiêu tiền.

  • Nhớ nhé cách đi: Sân bay Changi – Trạm tàu Tanah Merah (tới nơi xuống đổi tàu) – đi tiếp đến Outtram Park (tới nơi xuống đổi tàu line tím) – đi tiếp tới China Town
  • Updated: cách đi thứ 2, sử dụng đường tàu Downtown mới mở từ 12/2013. Airport–> Tanah Merah –> Bugis (downtown line)–> Chinatown
  • Updated: cách đi thứ 3, sử dụng đường tàu mới mở từ 2019. Airport–> Expo –> Chinatown

tàu điện singapore - Hành trình Singapore bụi

Sơ đồ các trạm bên trong MRT tuyến xe màu xanh

Hướng ra có nhiều cửa, bạn nhớ hỏi ai đó đi trên đường, ví dụ tôi đi Mosque Street thì hướng nào… họ sẽ chỉ bạn ra hướng cửa nào.

Bạn nào hành lý lỉnh kỉnh thì cứ thế mà kéo, chắc sẽ mệt đó nha. Tranh thủ đem càng ít đồ càng tốt.

Bước ra khỏi MRT trước mặt bạn sẽ là đường Pagoda, bạn đi thẳng hết đường, rẽ trái đi 10m thì rẽ trái lần nữa, bạn sẽ đến ngay khách sạn Backpacker.

Đến khách sạn, trước hết đưa giấy tờ đặt phòng và passport, họ ghi thông tin, sau đó bạn thanh toán (nếu chưa thanh toán) và thêm 10 SGD deposit cho cái thẻ từ ra vào. Số tiến này khi bạn trả phòng, họ sẽ trả lại bạn. Sau đó, họ dẫn bạn lên phòng bạn sẽ ở. Ai hay đi du lịch trong nước, khách sạn 1-2-3-4-5 sao coi chừng bị sốc vì phòng ốc ở đây diện tích nhỏ xíu hà. Có khi 1 phòng có 4 cái giường, 2 cái giường tầng đó.

Vì đây là dạng ký túc xá cho khách du lịch bụi nên không có phần ăn sáng buffet hay gì đâu bạn nhé, đi bụi, ở chỗ giá rẻ mà. Ở đây có vài chú ý như điện thoại chế độ yên lặng ban đêm tránh làm phiền, không cười nói ồn ào. Free wife và có cả 1 cái máy vi tính để bàn kết nối mạng nhé.

Khách sạn chia làm 2 khu nhà, kỳ trước nhóm mình ở 2 khu, khu kế bên bàn tiếp tân thì thích hơn nhé.

Nếu bạn bay chuyến trưa đến đây chắc đói bụng, ai mà có đem sẵn mì ly, lấy ra trụng nước sôi ăn chắc là ngon lành lắm. Họ có sẵn nước nóng lạnh, bếp, lò viba, tủ lạnh, máy sấy tóc… sử dụng thoải mái, nhớ trả lại hiện trạng sạch sẽ là được.

Sau khi no nê rồi thì tìm hiểu thông tin, xuất phát đến những điểm bạn muốn đi thôi. Nhìn bản đồ MRT, nhìn bản đồ thông tin lấy ở sân bay, kết hợp thông tin chỉ dẫn từ các trang web về du lịch bụi, kinh nghiệm phượt… bạn hãy tự tin đi du lịch nhé! Gặp tình huống bất ngờ, hãy bình tĩnh xử lý, bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm thú vị.

Chúc các bạn đi bụi vui vẻ.

Đón đọc phần 2: Hành trình Singapore bụi: Tung tăng vịnh Marina và 2 khu vườn

Bụi nhắn: Hãy gửi bài về BayNhé, Bụi sẽ cố gắng thu xếp xin tài trợ để gửi nhuận bút cho các bạn

Bạn cũng có thể vào đây rao nhượng vé máy bay.

Nhiều bạn hỏi Bụi việc đặt phòng khách sạn giá rẻ, bạn có thể sử dụng 1 trong bốn trang sau rất uy tín. 1. Trang Agoda.com có nhiều khách sạn ở Việt Nam và ASEAN. 2. Trang Hostel2Thailand.com chuyên phòng và các show, tour ở Thái Lan. 3. Trang Hostelworld.com chuyên phòng tập thể giá rẻ. 4. Trang Booking.com có ưu điểm không phải trả tiền trước.