PHẦN 3:  CHUYẾN ĐI NHẬT ĐẦU TIÊN: VÙNG KANSAI

Phần 3A:  KOBE

kobe-beef-steak

Đi du lịch bụi nghĩa là tự đi và không được tour cơm bưng nước rót, nghĩa là bạn phải tự tìm hiểu các thông tin trước khi đi. Để có thể đi được kiểu này bạn phải có khả năng tự tìm tòi nghiên cứu cao, xử lý tình huống, và đọc được tiếng Anh. Tớ có thói quen research về điểm đến 1-2 tháng trước khi đi, để đảm bảo rằng mình có nhiều thông tin nhất và để lên plan chi tiết. Internet, Google, và Google Map thực sự đã làm thay đổi thế giới, đặc biệt là việc đi bụi (^ ^).

kansai-mapLần đầu tiên xin được visa Nhật tớ đã nghĩ trong đầu là: nếu tớ chỉ có thể đi Nhật 1 lần duy nhất, tớ sẽ đi chỗ nào nhìn rõ được nét đặc trưng/khác biệt của đất nước này nhất. Tokyo là 1 mega city như bao mega city khác trên thế giới nên sẽ ko phải là ưu tiên. Tớ cũng không muốn tham lam đi nhiều nơi mà mỗi nơi chỉ lướt qua 1 ngày, cỡi ngựa xem hoa. Cuối cùng tớ quyết định sẽ dành trọn 12 ngày của chuyến đi đầu tiên cho vùng Kansai, cụ thể là Kobe-Kyoto-Osaka. Bởi vì Kyoto là cố đô văn hóa lịch sử, Osaka là thành phố hiện đại lớn thứ nhì Nhật, Kobe có món bò nổi tiếng. 3 thành phố lại rất gần nhau, vừa có thể xem được cái cũ vừa có thể xem được cái mới, 1 công đôi việc. Sau này mới thấy quyết định này là siêu đúng đắn.

 

Đây là những trang mà tớ hay dùng để nghiên cứu thông tin:

  • www.japan-guide.com : đây là 1 trang đỉnh của đỉnh về thông tin du lịch Nhật Bản, hay hơn tất cả các nước khác mà tớ từng biết, và lại là trang tư nhân chứ ko phải của chính phủ nha:  . Thông tin cực kỳ nhiều và chi tiết, lại được sắp xếp rất hợp lý và còn có 1 forum lớn nữa. (Tớ mong ước Việt Nam mình có được 1 trang thế này bằng tiếng Anh cho khách nước ngoài, chứ search trên Google toàn thấy mấy trang bán tour của mấy cty du lịch)
  • Tripadvisor: cái này chắc mọi người quen rồi
  • www.jnto.go.jp/eng/ : trang chính thức của chính phủ, có nhiều bài viết sâu. Đặc biệt còn thư viện guidebook và brochure hữu ích nữa: www.jnto.go.jp/eng/pdf/travelguide.html , www.jnto.go.jp/eng/pdf/
  • www.wikitravel.com/ : thông tin tổng quát, khá giống Lonelyplanet nhưng online và free.
  • Hyperdia.com  tra lịch tàu, bằng tiếng Anh, chỉ cần nhập điểm đi và điểm đến và giờ dự định đi  => dùng để plan đường đi rất tốt
  • japancheapo.com/   hoặc tokyocheapo.com  :  tips giá rẻ của những đồng chí Tây đang sinh sống tại Nhật

Nói chung, đối với Nhật phải research kỹ hơn các nước khác nhiều, đặc biệt là đường đi nước bước vì hệ thống giao thông của Nhật rất đa dạng và phức tạp. Sẽ có một số trường hợp bạn phải dùng đến Google Translate để đọc các trang tiếng Nhật luôn.

Về booking khách sạn, tớ hay dùng những trang này:

  • Booking.com  :  thường xuyên nhất vì trang này rất tốt, lại có free cancellation, giá hiện lên rất rõ ràng, số lượng hotel/hostel rất nhiều. Booking.com chiếm hơn 50% số lượng các online booking trên toàn thế giới, vượt xa các trang tương tự.
  • Agoda.com   :  Agoda thực ra chỉ mạnh trong vùng châu Á thôi. Cái tớ ko thích ở trang này là giá hiện ra thường chưa có thuế+phí, nên nhìn sơ tưởng rẻ nhưng đến khi book lại mắc. Tuy nhiên tớ hay so sánh giá giữa Booking.com và Agoda vì Agoda thường hay có promotion với các loại thẻ tín dụng, giảm 5-10%, lại có thể trả bằng tiền Việt (đỡ bị phí chuyển đổi tiền tệ 2-4% của thẻ). Ai có tham gia những chương trình khách hàng thường xuyên của các hãng máy bay thì cũng có thể chọn chế độ Pointmax của Agoda để được cộng điểm/dặm.

 

LỊCH TRÌNH

Lịch trình lúc đó của tớ cơ bản là thế này: từ Saigon bay đến sân bay Kansai (Osaka), đi luôn tàu từ sân bay về Kobe, ở Kobe 1.5 ngày rồi đi Kyoto. Ở Kyoto 5 ngày rồi đi Osaka. Ở Osaka 5 ngày rồi bay về Saigon. Tớ đi vào tuần thứ 3 của tháng 11/2013, nghĩa là mùa lá đỏ (momiji). Nhật có 2 mùa đáng đi nhất là mùa hoa anh đào (cuối tháng 3 đầu tháng 4) và mùa momiji (giữa tháng 11 đến giữa tháng 12).  Nhiệt độ mùa momiji là khoảng 10-20 độ, siêu ngon; còn mùa hoa anh đào thì hơi lạnh chút (khoảng 10-15 độ) nhưng mặc áo ấm là ok.

Vùng Kansai (hay còn gọi là Kinki) là vùng nằm ở phía trung nam đảo Honsu, gồm có 7 tỉnh, là vùng quan trọng thứ 2 của Nhật Bản, chỉ sau vùng Kanto (Tokyo nằm trong Kanto). Kansai là kinh đô về văn hóa và chính trị của Nhật Bản trong nhiều thế kỷ trước đây, bao gồm nhiều thành phố trọng yếu là Kyoto, Osaka, Kobe, Nara.

Kinh nghiệm đi bụi Nhật

KOBE

Đáp xuống sân bay Kansai lúc 1pm là tớ ra Tourist Office ở sân bay hỏi mua vé tàu đi Kobe luôn (thực ra cách dễ nhất là đi bus http://www.okkbus.co.jp/en/timetable/kix/t_kob.html, giá 1950 yên, nhưng lúc đó tớ đi tàu khoảng 1500y).

Kobe từng là cảng biển số 1 của Nhật, nhìn khá mới vì năm 1995 có 1 trận động đất banh chành hết cả thành phố, phải xây dựng lại nhiều lắm.

Lúc đó tớ muốn thử capsule hotel nên book Kobe Kua House (www.kobe-kua-house.com) 1 đêm (giá khoảng 600-700k VNĐ/đêm). Chỗ này là sự pha trộn của capsule + onsen. Họ có 1 tầng riêng cho nữ, các tầng khác cho nam. Trong tầng của nữ có phòng tắm riêng, khu vực chung gồm góc trang điểm (có sẵn máy sấy tóc, bàn chải đánh răng, sửa rửa mặt, lotion,..), góc thư giãn (kệ sách có rất nhiều truyện tranh và tạp chí, TV), máy chạy bộ, ghế massage,… Nói chung là cực kỳ tiện dụng và thoải mái, ko thiếu thứ gì. Có cả nhà hàng ở tầng dưới. Tớ còn thấy người ta xách can đến mua nước khoán của chỗ này đem về nhà.

kua Kinh nghiệm đi bụi Nhật

 

Nói một tí về chuyện tắm của người Nhật vì có nhiều điểm rất đặc biệt:

  • Sento là nhà tắm công cộng truyền thống, có từ lâu đời. Số lượng sento đang ngày càng giảm vì các gia đình đều có phòng tắm riêng.
  • Onsen là nơi tắm nước khoáng. Onsen có thể nằm độc lập, ở trong tòa nhà, hoặc trong khu suối nước nóng/resort.
  • sento Kinh nghiệm đi bụi Nhật
  • Người Nhật có thói quen tắm nước rất nóng: 40 độ C. Người Việt mình thường tắm khoảng 30 độ. Đến bây giờ tớ vẫn không chịu được nhiệt độ 40 này, chưa bao giờ ngồi được quá 5 phút, cảm thấy gần như bị phỏng. Nếu đi suối nước nóng vào mùa đông thì phần người ngâm dưới nước sẽ là 40 độ, phần trên đầu sẽ là 0-10 độ ở ngoài trời, ai không quen sẽ bịnh liền. (Bonus tấm hình khỉ tắm onsen, rất phê)
  • Bồn tắm của người Nhật không phải dùng để tắm, mà chỉ dùng để ngâm sau khi đã tắm sạch. Thông thường họ sẽ tắm rửa kỳ cọ kỹ bằng vòi sen cho thật sạch rồi mới vào bồn ngâm thư giãn (trong nhà tắm công cộng bao giờ cũng nhiều chỗ ngồi tắm, mỗi chỗ có sẵn vòi sen, cái ghế nhỏ, chậu nhỏ, dầu gội đầu, dầu xả, sữa tắm). Do đó nhiều người có thể dùng chung bồn nước.
  • Tớ thấy người Nhật không mắc cỡ về cơ thể của mình, có thể bởi vì đã quen với chuyện tắm chung từ nhỏ. Bạn nào hay xem truyện tranh/phim Nhật sẽ hay thấy cảnh này. Ở nhà thì nhiều khi cha mẹ con cái ngâm chung bồn tắm. Còn khi ra nhà tắm công cộng (sento) thì nam sẽ vào chung 1 phòng, nữ 1 phòng. Họ không thấy mắc cỡ gì khi không mặc gì đi lại quanh với những người cùng giới, và cũng chẳng ai thèm nhìn ngang nhìn ngửa quan sát xem người khác thế nào. Đây cũng là 1 nét văn hóa rất đặc trưng.
  • Đa số sento và onsen  không cho người có xăm mình (tatoo) vào vì theo quan niệm chung, chỉ có yakuza (mafia Nhật) mới xăm mình.

 

Nói đến đây tớ cũng chia sẻ thêm 1 kinh nghiệm đã rút ra được về book khách sạn ở Nhật: đối với Nhật, 70% các trường hợp giá tốt nhất là giá book trực tiếp với hotel/hostel. Tuy nhiên, vì đa số các trang web của những chỗ đó đều là tiếng Nhật nên đòi hỏi bạn phải cao tay hơn chút: dùng Google page translate.

Ví dụ:  Tớ tìm trên booking.com thấy Tmarkcity Hotel ở Sapporo giá có vẻ tốt, hình ảnh phòng ốc cũng đẹp, vị trí good. Lúc đó tớ sẽ vào Google gõ tên của khách sạn để tìm trang web official của chỗ đó. Bên phải của link sẽ hiện ra “Translate this page”. Bạn click vào thì Google sẽ dịch nguyên trang web đó thành tiếng Anh.

capture Kinh nghiệm đi bụi Nhật

Khi đó tớ sẽ đọc được nhiều chương trình khuyến mãi của khách sạn đó mà họ ko list trên booking.com. Sau đó tớ dùng công cụ book trên trang đó để book trực tiếp luôn. Thông thường họ sẽ không đòi hỏi đặt cọc gì hết vì người Nhật rất uy tín, book nghĩa là sẽ đến.

Quay lại vụ Kobe.

Nói đến Kobe thì phải nói đến bò Kobe. Đã đến Kobe không thể không thử bò Kobe. Bò Kobe nổi tiếng trên thế giới nhưng ở trong nước Nhật người ta gọi chung là Wagyu (Japanese cattle, bò giống Nhật). Ngoài Kobe ra những tỉnh khác cũng có thịt bò kiểu này, ví dụ như bò Miyazaki còn được người Nhật xem là xịn hơn cả bò Kobe. Bò Kobe được nuôi ở tỉnh Hyogo (thành phố Kobe thuộc tỉnh này) nên lúc đến Kobe tớ cũng thấy lạ vì đây là thành phố cảng công nghiệp, không phải trang trại, lấy đâu ra chỗ chăn bò (^ ^). Cũng không phải người ta nuôi tất cả mấy em bò này bằng beer hay massage bằng rượu sake như mọi người hay đồn đâu.

Đặc trưng của wagyu là mỡ thịt lẫn lộn, nhìn giống tảng đá cẩm thạch, cắn vô mềm èo như cục phô mai. Càng vân cẩm thạch nhiều càng mắc tiền. Thịt bò ở Nhật được chia thành nhiều cấp, từ A1 đến A5, A5 là xịn nhất. Mỡ của wagyu là unsaturated fat, nghĩa là mỡ tốt, nhiều omega 3 và 6, ít cholesterol, tốt cho tim mạch.

wagyu Kinh nghiệm đi bụi Nhật

Vô khu thực phẩm của mấy trung tâm thương mại như Takashimaya hay Isetan ở Nhật cũng thấy có bán wagyu, giá khoảng 2000 yên cho 100g, nghĩa là khoảng 4 triệu đồng/kg (^ ^). Cách ăn wagyu ngon nhất là kiểu steak/teppanyaki, kế tiếp là ăn lẩu shabu shabu.

Nào, đã đến Kobe thì nên thưởng thức bò Kobe ở đâu ? Lúc đó tớ nghiên cứu trên tripadvisor thì chọn chỗ này:

Wakkoqu Restaurant ở gần Shinkobe (ga Kobe Mới) https://www.tripadvisor.com.sg/Restaurant_Review-g298562-d1173916-Reviews-Wakkoqu_Shinkobe-Kobe_Hyogo_Prefecture_Kinki.html : 1 set lunch gồm 1 miếng wagyu 150g làm thành 2 món, cộng với súp khai vị, cơm, cafe, kem thì tổng thiệt hại là 4500 yên, hoàn toàn xứng đáng. Rìa ngoài của miếng bò được cắt nhỏ và xào với giá; phần ở trong thì làm chiên tái rồi cắt thành từng miếng vừa ăn, không ướp gì hết. Bàn tay người đầu bếp làm trên cái bàn teppan cực ky lão luyện, cắt cục thịt bò như cắt cục tàu hũ, có lúc lửa cháy phừng phừng cao cả nửa mét như trong phim (^ ^).

wakkoqu Kinh nghiệm đi bụi Nhật

 

Sau đó tớ đi bộ những con đường chính xuống cảng, ngắm cửa hàng cửa hiệu, cây cối thay lá vàng mùa thu, thấy rất thú vị vì cái gì cũng đẹp.

Vậy là tớ ở Kobe khoảng 26 tiếng. 7h tối thì tớ đón tàu đi Kyoto.

Phần 3B – KYOTO (sẽ viết tiếp)

Bài viết bởi June.

june-travels-logo-Kinh nghiệm đi bụi Nhật

 

Xem thêm các phần trước:

Kinh nghiệm đi bụi Nhật – P.1 Xin visa du lịch Nhật

Kinh nghiệm đi bụi Nhật (P.2) Vé và chi phí